Khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế

Sau đợt tăng hạn mức (nới room) tín dụng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp 13,6% trong tổng số 14% room tín dụng trong năm 2022. NHNN tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY

Vốn tín dụng khó… chảy mạnh 

Theo NHNN, tính đến giữa tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6%-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. 

Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; ổn định lãi suất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. “Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô”, ông Đào Minh Tú khẳng định. 

Mặc dù 18 ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được nới room tín dụng ở mức từ 0,7%-4%, chiếm 80% tín dụng hệ thống, nhưng câu chuyện “khát” vốn vẫn là vấn đề nóng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nền kinh tế mới chớm phục hồi nhưng hiện cánh cửa vốn từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, room tín dụng của các ngân hàng lại hạn chế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hỗ trợ vốn trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. Điều này dự báo ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Đặt vấn đề tín dụng tăng cao nhưng nền kinh tế vẫn trong tình trạng “khát” vốn, các chuyên gia kinh tế giải thích, một thị trường vốn lý tưởng là nơi ngân hàng chỉ cung ứng vốn ngắn  hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán là nơi cung ứng vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau “sự cố” của Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh, 2 cánh cửa vốn từ thị trường trái phiếu và chứng khoán đều gặp khó nên mọi nhu cầu vốn đều dồn vào vốn tín dụng ngân hàng. Thêm vào đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau… Do vậy, thời gian qua, kênh tín dụng là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế, nên dù đã tăng mạnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ vốn.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, ít có khả năng các NHTM được nhận thêm một đợt tăng room tín dụng từ nay đến hết năm 2022. Do đó, dòng vốn tín dụng khó có khả năng chảy mạnh, các NHTM sẽ cố xoay xở, phân bổ tín dụng hợp lý, chọn lọc khách hàng để cho vay, trong bối cảnh “khát” vốn tăng cao vào cuối năm.

Tín dụng ngân hàng tăng mạnh thời gian qua nhưng vẫn chưa cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế. Ảnh: MINH HUY

Khơi thông thị trường trái phiếu

Để huy động vốn cho nền kinh tế, theo các chuyên gia tài chính, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải khơi thông thị trường vốn. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, đến thời điểm này, cần phải giảm gánh nặng cung ứng vốn, nhất là vốn trung, dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là giải pháp cung ứng vốn dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp. Chính vì thế, Nghị định 65/2022 sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020 về chào bán trái phiếu riêng lẻ vừa được ban hành sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn trên kênh TPDN, khơi thông dòng vốn từ kênh huy động này cho các hoạt động kinh tế - xã hội. 

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia FinnRatings (đơn vị xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp phép), trong bối cảnh hoạt động phát hành TPDN “trầm lắng” từ đầu quý 2 đến nay, Nghị định 65/2022 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay. “Chúng tôi kỳ vọng các thông tin tích cực của Nghị định 65 sẽ giúp phát triển thị trường TPDN thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn”, đại diện FinnRatings cho hay. 

Có rất nhiều điểm mới của Nghị định 65/2022 về việc cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ. Điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản thường sở hữu nhiều công ty con, liên kết để phát triển dự án. Một trong những quy định mới tác động lớn tới tổ chức phát hành là không siết điều kiện chào bán, nhưng quy định về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Vì vậy, chỉ những doanh nghiệp có năng lực và hồ sơ minh bạch mới huy động vốn được trên thị trường này. Các chuyên gia kinh tế dự báo, quy mô phát hành TPDN sẽ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

* TS CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa nguồn vốn 

Tín dụng bất động sản (BĐS) tăng nóng hơn tín dụng chung cả nước với mức tăng hơn 14% tính đến cuối tháng 7-2022. Tín dụng cho vay BĐS chiếm 20,6% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế. Hiện BĐS bị đánh giá là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, hơn nữa doanh nghiệp BĐS chủ yếu huy động trung và dài hạn nên các tổ chức tín dụng cũng thận trọng hơn trong giải ngân, nhất là trong bối cảnh tín dụng eo hẹp. Tín dụng BĐS chủ yếu là vay vốn trung và dài hạn nên không thể phụ thuộc 100% vào vốn ngân hàng mà phải đa dạng kênh huy động vốn như từ TPDN, cổ phiếu và từ các quỹ đầu tư nước ngoài…

* TS TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Tín dụng phải được rót vào lĩnh vực sản xuất

Vấn đề không phải tăng tín dụng bao nhiêu mà điều quan trọng là tín dụng phải được rót vào các lĩnh vực sản xuất. Còn nếu lượng tiền cung lại chảy vào các lĩnh vực rủi ro thì nới tín dụng sẽ là “quả bom nổ chậm”, kéo theo nhiều hệ lụy như nợ xấu, lãi suất và tỷ giá tăng vọt. Về lâu dài, NHNN phải tìm cơ chế quản lý cung tiền một cách khoa học hơn để có thể nắn dòng vốn một cách hiệu quả hơn là áp room tín dụng như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục