Khơi thông “luồng xanh” lao động

Ngay khi kiểm soát được con số lây nhiễm, “đọc” được biểu đồ đi xuống của số ca Covid-19 nặng và tử vong, lãnh đạo TPHCM đã thí điểm “2 trong 1” ở cấp quận huyện thông qua mô hình trung tâm chỉ huy phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trung tâm hoạt động trên cơ sở đảm bảo an toàn, cẩn trọng từng bước, linh hoạt trong mỗi nút thắt - tháo gỡ sát với thực tế, đẩy mạnh ưu thế, năng lực vốn có của địa bàn để “cân bằng” những hạn chế trong thời điểm này.

Tuy vậy, ở cấp độ rộng hơn, TPHCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đối mặt với thách thức lớn. Đó là trong và sau thời gian giãn cách nghiêm ngặt kéo dài, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều đơn hàng sản xuất nội địa bị hủy, nguồn lao động thiếu hụt khá nghiêm trọng.  

Nối lại các cung đường sản xuất - vận chuyển - phân phối và huyết mạch xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa; liên thông các cửa ngõ nội - ngoại thành và toàn vùng để đón/đưa chuyên gia, người lao động đạt tiêu chuẩn xanh; tháo gỡ những hàng rào thủ tục, quy định kiểm soát vốn cản trở, làm khó doanh nghiệp và chính quyền địa phương để họ linh hoạt thích ứng hoạt động, tăng tốc từng bước đến toàn phần… là bài toán phải được giải bằng sức mạnh tổng thể từ Chính phủ, các bộ ngành và trách nhiệm trực tiếp của chính quyền các cấp.

Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3-10 là một bệ đỡ để TPHCM và các tỉnh lân cận gấp rút triển khai các kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế. Với Chỉ thị 18, TPHCM mở dần các “luồng xanh” trong hoạt động xã hội, kinh tế trên cơ sở hoạt động y tế dịch tễ đã kiểm soát được dịch bệnh, độ phủ vaccine trên toàn dân, giảm sâu số ca nặng, ca tử vong, đảm bảo năng lực mạng lưới y tế cơ sở, thuốc. 

Đặt trong thực tế quý 4-2021, thị trường lao động TPHCM cần khoảng 45.000 - 60.000 lao động, đối diện với làn sóng người dân, người lao động đổ về quê, bài toán cần giải thấu đáo, có đáp số cụ thể chính là tâm lý và công việc của người lao động. Trả lại sự an tâm, an toàn cho họ là việc phải làm đầu tiên. 

An tâm vì được tiêm vaccine 2 mũi cho bản thân và người thân sống cùng, được di chuyển từ nơi làm về nơi ở trong ngày, được chữa bệnh với túi thuốc dự phòng, với cơ sở thăm khám lưu động, chăm sóc người mắc Covid-19 ngay nơi ở, làm việc, trong bối cảnh chợ, trường học được khôi phục hoạt động. An toàn vì khu vực sản xuất, làm việc được bố trí, kết cấu đảm bảo tuân thủ 5K, các chế độ bảo hiểm, lương thưởng cho người lao động được áp dụng đầy đủ, cam kết đền bù cho những rủi ro có thể ập đến trong thời gian dịch bệnh…

Một bài học quý từ cách hành xử của chính quyền và doanh nghiệp ở tỉnh láng giềng Long An trong việc giữ chân người lao động rất đáng tham khảo. Trong suốt thời gian giãn cách, doanh nghiệp vẫn trả lương dù ngừng hoạt động. Khi người lao động muốn về quê, chính quyền tạo mọi điều kiện đưa họ trở về cùng lời hứa trở lại và đề nghị doanh nghiệp cải thiện hơn nữa chính sách dành cho người lao động, “ai có chính sách tốt, người lao động sẽ quan tâm”. 

Từ quý 2-2021, thành phố đã ưu tiên vaccine cho chuỗi cung ứng, tập trung vào 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu Công nghệ cao TPHCM. Đó là tiền đề quan trọng để ngay từ những bước đầu tiên của bình thường mới, “khu công nghiệp xanh”, “sản xuất an toàn” đã là những từ khóa trong các dự thảo đầu tiên. Việc đa số công nhân người lao động tại đây được tiêm 2 mũi vaccine có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục hồi. Kết quả này chắc chắn phải được tăng cường cả với người lao động ở các cơ sở sản xuất khác.

Thông điệp thành phố mời bà con ở lại hay về lại thành phố làm việc để được chích vaccine, để tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng đang phục hồi, không đứt gãy dù có bất kỳ giãn cách xã hội nào, là cam kết có thật. Với chính sách mở cửa linh hoạt và thích ứng an toàn với dịch của một hệ sinh thái mở, vùng đất lành vừa trải qua cơn bệnh nặng sẽ nhanh chóng hồi sinh trên những “luồng xanh” trở lại. 

Tin cùng chuyên mục