Khơi thông dòng nước sạch

Người dân một số khu vực quận 12, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Hóc Môn (TPHCM) khi mở nước máy sử dụng thì bị nước đục lúc đầu, phải xả một lúc thì nước mới trong trở lại. Qua tìm hiểu, đây là những hộ dân thường xuyên sử dụng nước giếng khoan và thi thoảng mới mở nước máy sử dụng. 

Đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giải thích, hiện tượng nước đục xảy ra như trên là do lâu ngày dòng chảy không được khơi thông, dẫn đến đóng cặn. Nguyên nhân là do người dân ít dùng nước máy, khiến dòng chảy bị tù đọng.

“Nước giếng khoan có mùi tanh nhưng trong veo”

Gia đình ông Trần Văn Mai, ngụ hẻm 27, đường Đỗ Công Tường, phường Tân Quý (quận Tân Phú) gồm 5 nhân khẩu, được công ty cấp nước gắn đồng hồ từ nhiều năm nay nhưng gia đình ông vẫn thường sử dụng nước giếng khoan.

Thi thoảng ông Mai mới sử dụng nước máy từ vòi để nấu ăn, uống. Về lý do được gắn đồng hồ nhưng không sử dụng nước máy, ông Mai cho biết, mỗi lần mở nước máy, nước hay bị đục, phải xả bỏ một lúc nước mới trong lại. Điều này làm ông nghĩ nước máy không chất lượng bằng nước giếng khoan.

“Nước giếng khoan có lúc nghe mùi tanh, nhưng bơm lên nó trong veo. Còn nước máy, mỗi lần xài thì phải xả bỏ, tui thấy tiếc tiền”, ông Mai lý giải. Vì vậy, chỉ số đồng hồ nước (ĐHN) của gia đình ông Mai thường xuyên ở mức 1m3/tháng, có khi thấp hơn.

Khơi thông dòng nước sạch ảnh 1

Nhiều người dân sống tại quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn cũng thường xuyên sử dụng nước giếng khoan để tắm giặt, nấu ăn vì thấy “nước trong và không quen mùi nước máy”. Nhiều gia đình còn chê do nước máy bị đục hơn so với nước giếng khoan. Đây cũng là lý do chỉ số ĐHN nhiều gia đình tại các khu vực này rất thấp, thậm chí là 0m3.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là, chỉ cách một con hẻm trên đường Đỗ Công Tường (quận Tân Phú), nơi người dân thường xuyên sử dụng nước máy, thì chất lượng nước nơi đây rất ổn định, ít khi bị đục hay yếu. Giải thích vấn đề trên, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco, cho biết, chất lượng nước đang cung cấp đến các quận, huyện trung tâm cũng như vùng ven, phía Sawaco sử dụng 2 nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Tại nguồn nước sông Đồng Nai, hàm lượng mangan không có, riêng sông Sài Gòn có hàm lượng mangan. Dù Sawaco đã xử lý hàm lượng này xuống thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn Bộ Y tế cho phép (còn 0,05) nhưng vẫn là ngưỡng còn đóng cặn. Trong khi đó, một số quận, huyện phía Tây TPHCM mới phát triển mạng lưới nước sạch, người dân có thói quen sử dụng nước giếng khoan, thi thoảng mới dùng nước máy. Do đó không tránh khỏi việc đóng cặn trong đường ống, gây ra tình trạng cặn vàng.

“Công ty khá chú trọng đến súc rửa đường ống, lúc có lịch bảo trì, bảo dưỡng nhà máy thì khi vận hành trở lại thường gây ra hiện tượng xáo trộn một chút, dẫn tới nước đục xuất hiện ở đầu ra”, ông Trần Kim Thạch giải thích.

Sử dụng thường xuyên để tránh cặn, đục

Theo ông Trần Kim Thạch, ở những khu vực nào người dân ít sử dụng nước máy, có xáo trộn trong quá trình súc xả thì khu vực đó thường xuất hiện cặn trong nước. Nguyên do, người dân rất ít dùng nước máy, nước tù đọng trong đường ống gây đóng cặn vì lâu ngày dòng chảy không được khơi thông. Còn nước từ nhà máy cung cấp đều là nước sạch đúng tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đại diện Công ty CP Cấp nước Tân Hòa cho biết, đến kỳ 2-2022, đơn vị đang quản lý 150.125 ĐHN. Riêng ĐHN có tiêu thụ hàng tháng bằng 0m3 chiếm khoảng 14.900 cái, số lượng ĐHN ít sử dụng (từ 1m3 đến 4m3) là khoảng 14.100 cái.

Riêng tại khu vực quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, nơi Công ty CP Cấp nước Trung An đang phụ trách việc cung cấp nước sạch đến người dân, hiện có 348.669 ĐHN. Trong tháng 1-2022, có 47.924 ĐHN thể hiện mức tiêu thụ 0m3, chiếm 14% và chủ yếu tập trung ở huyện Hóc Môn.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng nước sạch nhiều hơn, Cấp nước Tân Hòa, Cấp nước Trung An phối hợp Phòng Kinh doanh Dịch vụ khách hàng, Phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco thực hiện chương trình thí điểm “Phối hợp với khách hàng để nâng cao chất lượng nước trên mạng lưới cấp nước”. Khu vực Cấp nước Tân Hòa thực hiện gồm khoảng 250 hộ dân thuộc tuyến đường và các hẻm đường Đỗ Công Tường (phường Tân Quý, quận Tân Phú).

Khu vực được chọn là nơi khách hàng ít sử dụng nước máy, có nhiều phản ánh của hộ dân về chất lượng nước trong thời gian dài. Từ tháng 3 đến tháng 6-2022 (tương ứng với 3 kỳ hóa đơn thanh toán tiền nước 4, 5, 6 của khách hàng), mỗi hộ sẽ được khấu trừ tối đa 5m3/kỳ. Phía Cấp nước Trung An cũng thí điểm thực hiện chương trình tại một số khu vực đơn vị đang quản lý.

Đại diện Sawaco cho biết, chương trình nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước sạch ổn định, từ đó duy trì dòng chảy, tránh tạo hiện tượng tù đọng nước trong đường ống. Ngoài ra, chương trình cũng giúp người dân hạn chế sử dụng nước giếng khoan để đảm bảo sức khỏe.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, qua kiểm định chất lượng nước giếng khoan của người dân tại các quận, huyện cho thấy, tất cả các mẫu nước giếng đều không đạt chỉ số hóa lý, 20% mẫu không đạt chỉ số vi sinh. Theo Phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco, trong nước giếng khoan thường có 2 vấn đề, hàm lượng sắt cao và độ pH thấp.

Ngoài ra còn có dấu hiệu ô nhiễm một số thành phần khác. Nước giếng khoan mới bơm lên cảm giác rất trong, chưa bị kết tủa. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, lưu trữ lại sẽ thấy kết tủa, tạo lớp cặn vàng.

Ngoài yếu tố thẩm mỹ, các thành phần này còn ảnh hưởng đến đồ dùng như: ăn mòn các thiết bị kim loại. Riêng một số khu vực, nước giếng khoan còn chứa tạp chất có khả năng là một trong những tác nhân gây ung thư.

Người dân sử dụng nước giếng khoan không nắm được chất lượng nước mình sử dụng như thế nào vì không được kiểm tra thường xuyên, trong khi nước thay đổi liên tục. Còn nước máy thì được xử lý với một quy trình chặt chẽ, được giám sát liên tục, lấy mẫu nước thường xuyên để kiểm tra, nhanh chóng phát hiện sự cố.

Theo đó, Sawaco phải giám sát trên dưới 200 mẫu nước/năm theo đúng 99 chỉ tiêu của Bộ Y tế. Bình thường, Sawaco cũng phải giám sát theo 10 chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng nước ổn định hơn.

Việc sử dụng nước giếng khoan còn làm ảnh hưởng đến tầng nước ngầm. Bởi khi sử dụng nước giếng sẽ mất 3-5 năm mới bổ sung lại được tầng nước ngầm. Khi mất đi tầng nước này sẽ tạo độ rỗng trong đất. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra độ lún. Trong khi đó, tầng nước ngầm bổ sung nước cho các nhánh sông, suối. Nếu không có tầng nước ngầm, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào hệ thống đất, dẫn đến nhiễm mặn trong đất.


Tập huấn kiến thức an toàn, vệ sinh lao động

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) với phối hợp với Công ty Huấn luyện an toàn khu vực phía Nam tổ chức lớp tập huấn định kỳ về kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, công nhân viên ngành cấp nước TPHCM.

Khơi thông dòng nước sạch ảnh 2

Tham dự có ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc Sawaco; Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco; bà Vũ Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Sawaco; cùng đông đảo cán bộ, công nhân viên ngành cấp nước thành phố.

Tại buổi tập huấn, các học viên được cập nhật những kiến thức mới về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Sau buổi học, học viên thực hiện bài kiểm tra về các kiến thức đã được phổ biến. Thông qua lớp tập huấn giúp cán bộ, công nhân viên ngành nước hiểu rõ hơn các chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giúp người lao động nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

ĐINH BÍCH

Tin cùng chuyên mục