Khơi thông dòng chảy

Vì sao TP Đà Lạt nằm trên cao vẫn ngập và đảo ngọc Phú Quốc ở giữa biển khơi nhưng vẫn không thoát được cơn thịnh nộ của Thủy Tinh? Câu trả lời đã được chuyên gia phân tích trong nhiều bài báo ghi nhận tình hình ngập ở 2 địa phương này mấy ngày vừa qua. 

Đó là do phát triển quá “nóng”, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thoát nước không theo kịp tốc độ phát triển đô thị; tình trạng “bê tông hóa” ở Phú Quốc và “nhà kính hóa” ở Đà Lạt… Chưa có các thống kê chính thức về những thiệt hại mà các địa phương bị ngập lụt phải gánh chịu, thế nhưng cứ nhìn cảnh người dân ngụp lặn trong nước, những vườn cây trơ rễ… chắc chắn con số thiệt hại là không nhỏ. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là: vì sao điều đó lại xảy ra, khi mà điều này đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước cảnh báo từ rất lâu?

“Chúng ta không thiếu các định hướng, chủ trương, đồ án quy hoạch phát triển đô thị đẹp, có chất lượng, nhưng vấn đề là thay vì thực hiện quy hoạch một cách khoa học, hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện rồi mới xây nhà cửa thì chúng ta làm ngược lại. Phần nào “ngon” dễ kiếm tiền thì “xắn” ra làm trước, mà phần “ngon” thường là nhà ở. Nhà ở kéo thêm người vào mà hạ tầng kỹ thuật, công viên, hồ điều tiết nước… chưa có, thì ngập nước là đương nhiên” - chuyên gia quy hoạch Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, phân tích. Chuyên gia Hoàng Minh Trí cho biết thêm, nhìn qua khu Nam của TPHCM, đô thị Phú Mỹ Hưng gần như không bị ngập còn vùng xung quanh thì ngập liên tục. Đơn giản là khu đô thị này được đầu tư bài bản, tuân thủ đúng quy trình quy hoạch, hạ tầng hoàn thiện rồi mới làm nhà. Còn nhiều khu vực xung quanh thì ngược lại.

Như vậy là khâu quản lý phát triển đô thị… có vấn đề và cụ thể là không tuân thủ nghiêm các nguyên tắc cơ bản trong phát triển đô thị. Như Báo SGGP đã phản ánh, hiện ở đảo Phú Quốc hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ, đã vậy nhiều sông, suối - vốn là nơi thoát nước tự nhiên của đảo, lại bị san lấp để xây nhà. TP Đà Lạt cũng vậy, được quy hoạch cho khoảng 110.000 người sinh sống, song con số hiện tại đã lên tới 270.000-280.000 người. Sự quá tải chưa được giải quyết thì Đà Lạt lại phải đối mặt với tình trạng “nhà kính hóa”. Nước bị nhà kính ngăn không cho thẩm thấu xuống đất nên đã tràn bờ… Chưa hết, Đà Lạt, Phú Quốc và cả ở các tỉnh, thành phố khác còn phải giải bài toán cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Là điểm đến của nhiều du khách, đương nhiên Đà Lạt, Phú Quốc phải nhìn vào số lượng du khách để tính thành tích phát triển của mình. TPHCM cũng vậy, dẫu đang quá tải song vẫn phải tăng cường thu hút đầu tư dù rằng thành phố đang chọn lọc, cố gắng thu hút đầu tư công nghệ cao, không thâm dụng lao động.

Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch, giải quyết căn cơ vấn đề ngập nước ở đô thị, cần nhanh chóng khơi thông dòng chảy, trả lại không gian thông thoáng cho nước. Trước tiên là phải trồng rừng đầu nguồn để giữ nước, tiếp đến, phải thay đổi cách thực thi quy hoạch; cương quyết nói không với tình trạng “xắn” khúc “ngon” ra làm trước, kiếm tiền trước. Nhà nước nên có chính sách buộc các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển bất động sản liên kết lại, thực hiện đầu tư cả một khu đô thị hoàn chỉnh kiểu như Phú Mỹ Hưng. Hạn chế đến mức tối đa việc giao cho mỗi doanh nghiệp một vài khu đất để rồi các doanh nghiệp chỉ tập trung làm nhà, bất kể hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án có đáp ứng được nhu cầu tăng thêm dân số. Và để cho sự phát triển không vượt quá sức chịu đựng của môi trường, Nhà nước cần có một nghiên cứu tổng thể và có các cảnh báo kịp thời để các địa phương có căn cứ cân đối và có giải pháp thực thi hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục