Khơi thông đầu ra cho hạt lúa

Nông dân ĐBSCL đang vào chính vụ thu hoạch lúa hè thu. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở các địa phương, việc cắt lúa, thu mua, lưu thông… không tránh khỏi những ắch tắc cục bộ. Nhiều địa phương đang nỗ lực tạo điều kiện để hỗ trợ nông dân.
Hậu Giang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu
Hậu Giang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu

Tạo thuận lợi cho thương lái

Phụng Hiệp là huyện vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, đường giao thông đi lại khó khăn; tuy nhiên, nỗi lo của nông dân được giải quyết khi huyện cho phép các máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, gắn với xét nghiệm nhanh để kiểm tra, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. “Việc này giao cho UBND các xã đảm trách theo phương án xét nghiệm nhanh trước khi vào - ra, gắn với phương châm “3 tại chỗ” và 5K”, ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết. 

Hậu Giang là một trong những tỉnh sớm vận dụng các giải pháp kịp thời để giúp nông dân thu hoạch và bán lúa. Cụ thể, Hậu Giang đã thu hoạch được 50.000/76.000 ha lúa hè thu. Số diện tích còn lại tiếp tục thu hoạch, nhưng giá lúa đang trong xu thế giảm 5.000 - 6.200 đồng/kg (trước lúc giãn cách xã hội) xuống chỉ còn 4.800 - 5.600 đồng/kg, tùy loại. 

Ở An Giang, Đồng Tháp… cũng thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ để giúp nông dân thu hoạch lúa kịp thời. Một số nơi áp dụng phương thức ở xã nào thì sử dụng máy gặt đập liên hợp và nhân công thu hoạch lúa tại xã đó. Đối với các phương tiện vận tải thủy khi đi thu mua lúa trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra xét nghiệm nhanh… Tuy nhiên, theo một số chủ nhà máy xay xát gạo phản ánh thì thương lái vẫn còn nhiều khó khăn khi có địa phương cứng nhắc yêu cầu phải xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày. Trong khi đó, từ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đến nhà máy xay xát đều phải trông cậy vào các thương lái thu mua lúa. “Nên chăng khơi thông “luồng xanh” cho lực lượng đi thu mua nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng được thuận lợi hơn nữa”, chủ một nhà máy xay xát ở Sóc Trăng đề xuất.

Vai trò doanh nghiệp là then chốt

“Dù tỉnh đã tạo điều kiện để nông dân thu hoạch và thương lái thu mua lúa cho nông dân tránh bị ắch tắc, nhưng giá lúa đang trong xu hướng giảm. Cá biệt, một số vùng sâu xuất hiện tình trạng thương lái ép giá nông dân”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Thực tế, việc di chuyển thu mua lúa giữa các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, nên hiện nay một vài DN đã ngừng mua lúa, hoặc chỉ mua “cho có” dẫn đến tiến độ thu mua giảm. 

Theo thống kê, đến nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch hơn 700.000ha lúa hè thu, còn khoảng 800.000ha sẽ thu hoạch trong tháng 8 và tháng 9-2021. “Chúng tôi thực hiện nghiêm việc thu mua lúa của nông dân theo hợp đồng đã ký kết bao tiêu với giá 5.500 - 5.600 đồng/kg”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nói. Công ty Trung An đã thu mua gần 3.200ha lúa hè thu tại TP Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng ngay trong thời điểm các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội. 

Tuy nhiên, diện tích bao tiêu theo “cánh đồng mẫu lớn” như Công ty Trung An hiện nay ở ĐBSCL đang ít dần. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” do Bộ NN-PTNT phát động cách đây khoảng 10 năm được xem là đòn bẩy nâng cao chất lượng hạt gạo và giúp nông dân có đầu ra ổn định thông qua hợp đồng bao tiêu. “Dù vậy, diện tích sản xuất theo “cánh đồng mẫu lớn” đã giảm nhanh và chỉ còn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 10% diện tích sản xuất lúa toàn vùng. Đây là vấn đề mà Bộ NN-PTNT cần có những đánh giá, rút ra bài học. Nếu làm tốt chương trình này, gắn với bao tiêu lúa hàng hóa của nông dân, thì trong bối cảnh giãn cách hiện nay, nông dân cũng bớt vất vả trong khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa”, một chuyên gia lúa gạo ở ĐBSCL nhận định. 

Sau khi các ngành chức năng cùng vào cuộc thì việc thu hoạch lúa không còn quá căng thẳng, mà cái chính là khâu tiêu thụ. “Cần có giải pháp hỗ trợ các DN lớn trong vùng mở rộng hạn mức vay theo cơ chế thông thoáng, để họ tăng cường thu mua lúa của nông dân. Đầu ra hạt lúa của nông dân vẫn trông chờ vào DN xuất khẩu. Bởi DN có thu mua gạo thì mới thúc đẩy được thương lái đi vào đồng để mua lúa cho nông dân”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, kiến nghị.

Dán tem chống giả cho gạo ST25

Trên Facebook Quang Trí Hồ của ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng), cho biết: “Kể từ ngày 2-8-2021, đã phân phối bản cập nhật bao bì gạo ST25 mới với nhãn hiệu Gạo Ông Cua ST25. Nhãn hiệu này hiện đã nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và quốc tế. Ngoài bao bì mới, sản phẩm có dán tem chống giả của iCheck, với lớp tráng bạc bảo vệ QR code và mã số tem độc nhất cho từng sản phẩm khớp với thông tin tra cứu online khi scan bằng điện thoại…”. 

Tin cùng chuyên mục