Khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19

Vừa cẩn trọng giữ vững kết quả phòng chống dịch Covid-19, vừa dồn sức khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đó là vấn đề đang được TPHCM và cả nước quan tâm. Nhiều bạn đọc đã gửi mail đến Báo SGGP nêu ý kiến đóng góp giải pháp thực hiện nhiệm vụ này.  

Phát huy lòng yêu nước, trí tuệ và bản lĩnh

Trong những nguyên nhân để nước ta thực hiện rất hiệu quả cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19, có nguyên nhân là huy động được sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Lòng yêu nước, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc luôn được phát huy cao nhất trong những thời kỳ đầy cam go, gian khó. Tất nhiên trong bối cảnh dịch bệnh còn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, tự mãn, nhưng chúng ta đã có điều kiện để vừa tiếp tục phòng chống dịch, vừa dồn sức khôi phục, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng dịch bệnh. 

Rất hoan nghênh Chính phủ trong điều kiện thu ngân sách khó khăn vẫn mạnh dạn triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, để kịp thời hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người thuộc nhiều nhóm đối tượng đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội ở thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính cấp bách, không chỉ góp phần giúp người dân và doanh nghiệp trước mắt, mà còn kích thích chi tiêu trong xã hội.

Thời gian qua, bên cạnh sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh, cũng đã có những vụ việc tiêu cực, lợi dụng nhiệm vụ được giao để gian lận, nâng khống giá thiết bị y tế phục vụ chống dịch. Do vậy, trong các giải pháp khôi phục kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, làm cản trở sự phát triển và làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

ĐỖ NGÔ TRẦN, quận 9, TPHCM

Khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 ảnh 1 Đại diện Báo SGGP và Hội Chữ thập đỏ quận Bình Tân tặng quà hỗ trợ giáo viên trường mầm non bị mất việc làm do dịch Covid-19. Ảnh: MINH SĨ
Khẳng định là điểm đến an toàn

Trong lúc này, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nên muốn đưa du lịch hoạt động bình thường trở lại, thì phải phát triển du lịch nội địa trước, sau đó mới tính tới phục hồi thị trường du lịch quốc tế. Việc có khách nội địa là cần thiết, nhưng không phải bằng mọi giá. Nếu chúng ta cứ mở cửa tràn lan, sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường nếu chẳng may có ca lây nhiễm bệnh mới. Vì thế bên cạnh việc thu hút du khách, các địa phương cần quan tâm phòng chống dịch thật tốt, đặc biệt là nên có bộ phận giám sát và xử lý vi phạm.

Chỉ nên tổ chức các dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, số lượng người. Đối với dịch vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch, nếu không thể đảm bảo giãn cách theo quy định, thì phục vụ ăn uống tại phòng ngủ của khách, không bố trí khách ngủ tập thể đông người trong một phòng. Lập sổ theo dõi y tế của từng cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên. Tại các điểm đến, cần phải trang bị dụng cụ đo thân nhiệt, chuẩn bị dung dịch vệ sinh tay cho du khách. Chỉ khi các điểm đến an toàn, du khách hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, thì lúc đó thị trường du lịch mới ổn định và phát triển bền vững.

ĐÔNG GIA, quận Gò Vấp, TPHCM

Có các biện pháp đồng bộ nâng cao đời sống nông dân

Trong mùa dịch Covid-19, đối tượng bị tác động nhiều nhất vẫn chính là khu vực nông nghiệp, nông dân. Trong giai đoạn mới, khi nước ta đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nước, cơ hội sẽ mở ra rất nhiều, nhưng thách thức cũng không ít, nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh quyết liệt của hàng nông sản các nước; trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ phải giảm dần theo quy định của các cam kết hội nhập.

Theo quy định chung, các nước sẽ hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế bảo hộ của Nhà nước, kể cả nông nghiệp, nên biện pháp hữu hiệu nhất mà Nhà nước có thể hỗ trợ cho nông dân là xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng hóa nông sản nước ngoài ồ ạt tràn vào nước ta. Song song với đó là tăng khoản tiền vay không cần thế chấp tài sản lên mức cao hơn hiện nay, để giúp nông dân đầu tư sản xuất trong hình tình mới. Nên xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn giúp cho nông dân có hướng đầu tư phát triển sản xuất. 

Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường đầu ra hàng hóa nông sản ổn định, kết hợp có hiệu quả sự hợp tác “4 nhà” trong nông nghiệp. Tập trung thu hút mọi nguồn lực để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, cần xây dựng các đầu mối lưu thông hàng hóa ở vùng sâu vùng xa, giúp cho hàng hóa nông sản không bị nâng giá, ép giá gây khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản của nông dân. Tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này, vừa hỗ trợ cho nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vừa ứng phó kịp thời với thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều và rất phức tạp hiện nay. 

Nên thực hiện chính sách miễn giảm các loại thuế nông nghiệp, các loại phí và khoản đóng góp, nhằm giảm bớt gánh nặng và cải thiện, nâng cao đời sống cho nông dân, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất.

PHẠM VĂN CHUNG, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Tin cùng chuyên mục