Khởi nghiệp rộn ràng trở lại

Sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu có sức sống trở lại. Đối tác, khách hàng bắt đầu quay lại nhiều hơn, khác hẳn không khí ảm đạm, vắng khách trước đó.
Trần Quang Duy, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, dẫn du khách tham quan một điểm đến ở TPHCM
Trần Quang Duy, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, dẫn du khách tham quan một điểm đến ở TPHCM

Những trải nghiệm mới

Giai đoạn du lịch hè 2022 được các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng “bùng nổ” lượng khách. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, ngành du lịch thành phố đang không ngừng làm mới, nỗ lực khai thác, giới thiệu các sản phẩm thực sự thú vị đến với người dân, du khách; bao gồm bay trên trời (tour trực thăng), du ngoạn trên sông, cũng như trải nghiệm ngắm thành phố trên bờ. 

Ghi nhanh đến thời điểm này, không riêng những doanh nghiệp du lịch lớn đón lượng khách vui chơi “khủng”, mà cả các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp vài năm trở lại đây cũng bận rộn đưa đón khách. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ xe du lịch cho khách đoàn thông tin, bắt đầu từ dịp lễ 30-4 và 1-5, hàng chục chiếc xe của công ty không nghỉ ngày nào, đổi ca luân phiên. Khách đi biển, tới khu vực ĐBSCL, Đông và Tây Bắc… để tham quan, vui chơi rất nhiều, đặc biệt là nhóm khách trẻ. Hoàng Anh Tuấn, 25 tuổi, hướng dẫn viên một công ty du lịch tại quận 1 (TPHCM), tâm sự, thời điểm dịch Covid-19, Tuấn phải về quê nhà ở Tây Nguyên để làm rẫy, phụ giúp gia đình. Mặc dù ở quê thảnh thơi, không áp lực chi tiêu, nhưng Tuấn rất nhớ nghề. Dịch bệnh vừa tạm lắng xuống, khách bắt đầu tăng đột biến, anh em hướng dẫn viên bận “tối mắt”. Tuấn hầu như dành trọn thời gian trên xe, dẫn đoàn, chỉ tối về mới được đặt lưng nghỉ tạm lấy sức, chuẩn bị đưa khách đi chơi sáng hôm sau. 

“Mệt nhưng rất vui, vì ngành du lịch hoạt động trở lại, từng bước hồi phục mạnh mẽ hơn xưa. Nhóm khách đi chơi, tham quan TPHCM cũng tăng trưởng tốt”, Trần Quang Duy, 28 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, cho hay. 

Ở cực Bắc Tổ quốc, các bạn trẻ làm dịch vụ tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) cũng cho biết, nơi đây đang thu hút dòng khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Địa phương có 28 hộ đầu tư, xây dựng các ngôi nhà theo kiến trúc của người Mông, liền kề nhau để phát triển dịch vụ nhà nghỉ homestay phục vụ du khách… Nhiều đoàn khách TPHCM khi đến Hà Giang đều muốn được trải nghiệm, nghỉ đêm tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi. 

Góp chút sức nhỏ cho quê nhà

Trần Quang Duy, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, tâm sự, anh muốn góp chút sức nhỏ cho du lịch quê nhà - TPHCM. “Khả năng tới đâu làm tới đó, chậm mà chắc”, Trần Quang Duy nói. Công ty mới ra đời từ tháng 4-2020, sau đó vướng 2 đợt dịch Covid-19, nên mọi thứ còn nhiều ngổn ngang và đang trong giai đoạn hoàn thiện (nâng chất sản phẩm và tạo dấu ấn với khách, tuyển dụng nhân sự…). Điểm mới và cũng là mục tiêu mà Trần Quang Duy hướng đến chính là liên tục làm mới, tìm tòi thêm các sản phẩm để giúp nổi bật thương hiệu du lịch TPHCM. Vì theo Duy, thành phố rất đẹp, còn nhiều điều thú vị để du khách trải nghiệm và đủ sức để níu chân du khách.  

Cùng chung mong mỏi, Hoàng Thị Xới, 30 tuổi - chủ thương hiệu Xới Farmstay ở Lục Yên (Yên Bái) - trải lòng rằng muốn phát triển hơn nữa thương hiệu du lịch của Yên Bái nói riêng, các tỉnh khu vực Đông Bắc, Tây Bắc nói chung, bởi người trẻ luôn trăn trở và đau đáu với con đường khởi nghiệp của mình nhằm kiến tạo những giá trị tốt đẹp nhất cho quê nhà. Với công suất phục vụ khoảng 30-40 khách, doanh thu hơn 150 triệu đồng/năm, Xới nhìn nhận con số này khá khiêm tốn, nhưng là khát vọng tuổi trẻ của bản thân. “Khởi nghiệp từ năm 2017, lúc đó mới 25 tuổi, với nhiều khó khăn, nhưng mình từng bước vượt qua nhờ sự nỗ lực học tập, cũng như sự trợ giúp từ các thầy cô ở giảng đường đại học. Kinh nghiệm, vốn sống, nguồn tài chính, kiến thức quản trị… luôn là thách thức cho người trẻ”, Hoàng Thị Xới nói. 

Ngày nay, du khách đi chơi xa hơn, thích tìm tòi, khám phá những điều mới lạ chứ không còn quẩn quanh “sau lũy tre làng”. Bằng chứng là rất nhiều bà con nông dân sẵn sàng chịu chi hàng chục triệu đồng, thậm chí nhiều hơn, để có những chuyến du lịch trong và ngoài nước. Khái niệm giàu có mới đi du lịch đã phần nào bị “lỗi nhịp” trong thời đại ngày nay, nhất là sau dịch Covid-19. Do đó, người làm du lịch nói riêng, cũng như các ngành nghề khác nói chung, phải tự thân nỗ lực để bắt nhịp tâm lý và đáp ứng được nhu cầu, sở thích thực sự của khách hàng.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khởi nghiệp ngày càng khó khăn, với nhiều thử thách, nhưng nếu kiên trì chắc chắn thành công sẽ đến. Ngoài nỗ lực tự thân, các bạn trẻ khởi nghiệp cũng mong muốn có được sự trợ lực từ các hội đoàn, các “nhà đầu tư thiên thần” để từng bước hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp, góp phần cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho đất nước. 

Tin cùng chuyên mục