Khởi nghiệp du lịch: Đam mê thôi chưa đủ

Phát triển ngành công nghiệp không khói đang được xem là hướng đi chủ lực của nhiều địa phương, trong đó có TPHCM. Mảnh đất tưởng chừng màu mỡ này thực chất không dễ khai thác cho những ai chỉ có đam mê mà thiếu đi các yếu tố khác đi kèm.
Người tiêu dùng tham khảo giá tour tại một DN lữ hành trên địa bàn TPHCM
Người tiêu dùng tham khảo giá tour tại một DN lữ hành trên địa bàn TPHCM
Chẳng hạn như kinh nghiệm, kỹ năng, tài chính… Đáng chú ý, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ khiếu nại liên quan tới một số công ty du lịch lừa đảo khách hàng, ảnh hưởng đến “bộ mặt” ngành du lịch nước nhà. Một trong số này có bóng dáng của doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Chuẩn bị nhiều thứ

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đánh giá rằng, khởi nghiệp vốn đã không dễ. Và đối với lĩnh vực du lịch lại càng có những đòi hỏi cũng như những yêu cầu khắt khe hơn do liên quan đến yếu tố văn hóa, con người, thái độ ứng xử… Nhìn chung, “phông” văn hóa, kiến thức của người làm du lịch luôn phải cao, chuẩn mực để đáp ứng nhu cầu du khách. Điều này cũng được ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, xác nhận. “Không ít bạn trẻ yêu thích vẻ hào nhoáng bên ngoài, như được gặp gỡ nhiều người, đi khắp nơi, được ăn ngon mặc đẹp… mà theo ngành du lịch. Nhưng thực sự không phải như vậy. Để có thể sống được với nghề, gầy dựng một thương hiệu du lịch thành công, người làm nghề ngoài đam mê còn phải chuẩn bị rất nhiều thứ liên quan. Đòi hỏi người làm du lịch cần phải giỏi hơn, đa năng hơn so với thế hệ trước. Cụ thể, hướng dẫn viên du lịch có thể dẫn chương trình, nấu ăn, quay phim, chụp ảnh…”, ông Trần Văn Trường chia sẻ. 

Có một điều ít nói ra nhưng doanh nghiệp (DN) lữ hành nào khi nhắc đến cũng đều bức xúc, đó là những thương hiệu tên tuổi, đã có chỗ đứng trên thị trường liên tục bị đàn em sau này, nhất là các DN mới khởi nghiệp nhưng thiếu tự trọng, giả mạo thương hiệu, sao chép một phần hoặc toàn bộ lịch trình, tour tuyến mới. Điều này khiến cho những DN làm ăn chân chính, trong đó có DN khởi nghiệp, bị ảnh hưởng. Chị Minh Cúc, một hướng dẫn viên (trước đây là phóng viên của một tờ báo có tiếng ở TPHCM), chia sẻ rằng, chị thích nấu ăn, đi du lịch, khám phá các miền đất mới. Do vậy, chị thường xuyên thiết kế các tour cho bạn bè, người thân khám phá nét văn hóa, ẩm thực khu vực Chợ Lớn, có cả những tour nước ngoài. Thế nhưng, ngặt nỗi chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, lộ trình tour của chị bị đối thủ “ẵm trọn”. “Mình làm vì yêu thích, vì đam mê nhưng sản phẩm liên tục bị đánh cắp ý tưởng khiến mình thấy nản”, chị Minh Cúc tâm sự.

Liên tục làm mới sản phẩm

Dư địa của ngành du lịch rất lớn, nhưng sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt. DN trong nghề thừa nhận rằng, sau một thời gian bươn chải, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, tài chính để “bung” ra lập nghiệp, thì khả năng kiếm đủ sống không khó. Tuy vậy, cuộc cạnh tranh ý tưởng thông qua các sản phẩm mới chính là điều DN trăn trở nhất. Mà trường hợp như chị Minh Cúc chia sẻ là một ví dụ điển hình. 

Hiện nay, các DN mới được thành lập liên tục sao chép ý tưởng của nhau, tới mức DN  xem như là chuyện “cơm bữa”. Thậm chí, đến cả thương hiệu của những DN lữ hành tên tuổi còn bị nhái, thì sản phẩm tour tuyến mới ra đời bị đối thủ chôm mất không có gì lạ. Chính vì thế, để một sản phẩm “sống” được, là của mình thực không dễ dàng. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ cho rằng, để tránh trùng lắp sản phẩm du lịch, hằng năm ông và cộng sự phải liên tiếp đi tiền trạm, ra kế hoạch khám phá những vùng đất mới. “Đất nước chúng ta rất đẹp, danh lam thắng cảnh nhiều vô cùng. Để du khách nhớ về mình, chọn mình, chỉ còn cách luôn có những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn để níu chân du khách”, ông Trần Thế Dũng nói. 

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis (đơn vị khai thác tour mạo hiểm Sơn Đoòng, Quảng Bình) nhìn nhận, đơn vị đang khai thác khá hiệu quả sản phẩm du lịch mạo hiểm, chủ yếu dành cho đối tượng du khách nước ngoài. Đối tượng du khách này khá chuyên nghiệp, yêu cầu cao, nên đơn vị cung cấp dịch vụ không thể làm sơ sài. Chia sẻ với các bạn trẻ về việc khởi nghiệp, ông Nguyễn Châu Á khuyên rằng, không nên vội vàng khi chưa hội đủ một số yếu tố nhất định, như kinh nghiệm, tiềm lực tài chính…
Nhờ trọng tài hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại

Vừa qua, đại diện Sở Du lịch TPHCM cũng đã có kiến nghị lên các cơ quan chức năng chuyên trách về việc một số đơn vị lữ hành lừa đảo khách hàng. Chẳng hạn như DN lữ hành tự ý thay đổi địa chỉ, tạm ngưng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan chức năng; việc nhái thương hiệu, sao chép các nội dung chương trình tour diễn ra công khai… Thậm chí, có trường hợp DN lữ hành bán tour, thu tiền trực tiếp nhưng sau đó tự giải thể, không thanh toán cho đơn vị cung cấp dịch vụ, “ôm” luôn tiền của khách hàng…
Đối với tình trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP về hướng xử lý, các luật sư tại TPHCM đều khuyến cáo DN bị hại, người tiêu dùng nên tìm đến các trung tâm trọng tài thương mại (HCCAA, VIAC, STAC…) để hỗ trợ giải quyết vụ việc một cách nhanh gọn, thấu đáo. Thực tế cho thấy, khá nhiều vụ việc đã được giải quyết thành công nhờ trọng tài.

Tin cùng chuyên mục