Khởi động thị trường mứt tết

Mứt là một trong những mặt hàng đặc sản không thể thiếu vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà sản xuất đã không ngừng đổi mới cách chế biến để cho ra những loại mứt ngày càng hoàn hảo về chất lượng, màu sắc, kích cỡ và khẩu vị. Tuy nhiên, so với những năm trước, sức mua mứt tết ngày càng giảm vì nhiều nguyên nhân.

 

Đa dạng các mặt mứt tết bán tại các chợ truyền thống Ánh: VIÊN VIÊN
Đa dạng các mặt mứt tết bán tại các chợ truyền thống Ánh: VIÊN VIÊN
Phong phú, đa dạng 

Tại thời điểm này, dạo quanh các chợ loại 1 và 2 của TPHCM như Bến Thành, An Đông, Tân Định, Bà Chiểu…, các loại mứt tết đã được tiểu thương chuẩn bị khá tươm tất, phong phú về chủng loại, đa dạng về màu sắc, mẫu mã, với khoảng 40 - 50 loại khác nhau. Các loại mứt truyền thống, được sấy khô vẫn khá phổ biến như mứt gừng, mứt dừa, hạt sen, mứt bí đao, mứt bí đỏ, mãng cầu, mứt me, khoai lang… Trên thực tế, tại các chợ này không chờ đến tết mới bán mứt mà họ bán quanh năm, nhưng chỉ khi Tết Dương lịch đến và phố phường bắt đầu “mặc áo mới” chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thì các sạp hàng mứt tết cũng ngày càng đầy và phong phú thêm. 

Để đáp ứng xu hướng sử dụng loại mứt ít đường, nhiều chủ cơ sở đã sản xuất nhiều hơn các loại mứt dẻo, trong đó lượng đường và nguyên liệu chiếm tỷ lệ ngang nhau, thay vì tỷ lệ 3-1 như trước đây. Các loại mứt dẻo có thể kể đến cóc bao tử, xoài, mít, vỏ bưởi, khổ qua, thơm, dâu, dừa, me, bắp bao tử, quất tần bì, trái hồng… So với mứt sấy khô, mứt dẻo có điểm yếu để không được lâu vì sử dụng lượng đường ít hơn. Thế nhưng, điểm mạnh của mứt dẻo là được cắt dưới nhiều hình dạng khác nhau. Chẳng hạn, ở mặt hàng mứt dừa dẻo được cắt theo bản lớn, cắt nhỏ và dài, cắt vuông, tròn, hình tam giác… Cho dù được cắt dưới hình thù nào thì mứt dừa dẻo luôn là loại mứt được khách hàng chọn mua nhiều nhất vì độ béo ngậy, thơm ngon, lại “ngậm” ít đường nên tốt cho sức khỏe. Tương tự, với các loại mứt dẻo khác như mứt cam, xoài, khoai lang, hồng… chỉ cần sên trong thời gian vừa đủ là lượng đường tự nhiên trong trái cây, quyện với đường tinh luyện sẽ tạo ra màu sắc rất bắt mắt.  So với những năm trước, năm nay mứt tết có nguồn gốc từ Trung Quốc không còn xuất hiện trên thị trường. Thay vào đó, hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường. 

Bên cạnh chợ và các siêu thị, trên các trang mạng xã hội, thị trường mứt tết cũng sôi động không kém. Chỉ cần gõ cụm từ “mứt tết nhà làm”, ngay lập tức có 759.000 kết quả khác nhau. Các loại mứt bán online (qua trang mạng hoặc facebook) chủ yếu là loại dễ chế biến như mứt dừa, bí đỏ, cà rốt, đu đủ, vỏ bưởi, me và thường được chủ nhân rao là tốt cho sức khỏe. Nhưng điều này rất khó kiểm chứng; vì vậy, khách hàng cần xem xét kỹ trước khi đặt mua nhằm tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. 

Sức mua còn yếu

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm này, giá bán hầu hết các loại mứt vẫn khá ổn định so với năm ngoái do nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển không biến động mạnh như những năm trước. Nhưng vào cao điểm mua sắm tết, tức trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần, giá bán thường tăng thêm 15.000 - 20.000 đồng/kg vì nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí nhân công sẽ tăng. Lý giải về việc tăng giá vào cận tết, một tiểu thương cho hay, tất cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất mứt (trừ đường cát) đều là trái cây hoặc rau củ tươi sống, có mẫu mã đồng nhất và màu sắc đẹp, chất lượng tốt mới cho ra các loại mứt ngon và đẹp mắt; do vậy, giá mứt bán dịp cận tết phải căn cứ vào giá thu mua nguyên liệu tại từng thời điểm nên rất khó để ổn định giá trong suốt mùa tết.

Hiện tại các chợ Bến Thành, An Đông và một số siêu thị, giá bán nhiều loại mứt phổ biến ở mức 120.000 - 180.000 đồng/kg, một số loại đứng ở mức 180.000 - 220.000 đồng/kg như hạt sen Huế, mứt mãng cầu, gừng Huế... Các loại mứt dẻo cũng có giá bán bình quân từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Riêng tại các chợ loại 2 của TP, giá mứt thấp hơn khá nhiều, dao động từ 80.000 -120.000 đồng/kg, tùy loại. Các loại mứt bán sỉ có giá 80.000 - 100.000 đồng/kg. Theo lý giải của chủ một sạp hàng bánh mứt ở chợ Bến Thành, giá mứt tại đây luôn cao hơn so với các chợ khác là do nguyên liệu để chế biến được chọn lọc rất công phu, mứt được sên hoàn toàn theo dạng truyền thống (tức nguyên liệu được sên với đường từ 5 - 7 lần mới xong một mẻ mứt), có thể để được khá lâu, từ 3-5 tháng, không bị nấm, mốc. 

Cùng với các loại mứt, thị trường các loại hạt sấy khô cũng đã bắt đầu đa dạng, phong phú hơn. Giá bán tương đối ổn định, hiện giá hạt hướng dương tại chợ lẻ tiểu thương chào hàng dao động 70.000 - 100.000 đồng/kg, hạt dưa 120.000 - 150.000 đồng/kg, hạt dẻ cười 280.000 - 350.000 đồng/kg, hạt điều 250.000 - 350.000 đồng/kg, tùy loại. Gần đây, thị trường TPHCM xuất hiện thêm nhiều loại trái cây được sấy khô hoặc sấy dẻo nhập từ nước ngoài nhưng giá bán khá cao như nho khô nguyên cành Úc có giá 500.000 - 700.000 đồng/kg, chà là  giá 500.000 đồng/kg, trái sung Thổ Nhĩ Kỳ sấy dẻo 700.000 đồng/kg, hồng dẻo Hàn Quốc 400.000 - 600.000 đồng/kg… Các loại trái cây này hiện đang trở thành đối thủ cạnh tranh với các loại mứt trái cây sấy dẻo của Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp.

Đại diện ban quản lý một số chợ cho hay, đến nay sức mua các loại mứt hiện vẫn còn rất chậm nên tiểu thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường để chuẩn bị nguyên vật liệu, vì lẽ hầu hết nguyên liệu đầu vào đều là thực phẩm tươi sống. Lượng mứt tiêu thụ chủ yếu vào thời điểm này là Việt kiều, khách vãng lai và cả khách nước ngoài. Họ mua mứt để làm quà cho người thân, còn khách nước ngoài xem mứt tết là một trong những mặt hàng đặc sản nên mua để dùng thử. Trong khi đó, nhu cầu mua mứt tết để thưởng thức và tiếp khách của người dân thành phố phải chờ sau ngày rằm tháng Chạp mới có thể tăng. Giới kinh doanh mứt hy vọng, sức mua chỉ cần ngang bằng mùa tết năm ngoái và đừng rơi vào tình trạng “năm sau giảm dần đều so với năm trước” đã là quá tốt. Riêng đơn hàng đến từ các tỉnh tại thời điểm này cũng còn rất thưa thớt.

Tin cùng chuyên mục