Khởi động chiến dịch “Yêu mới khó - phòng ngừa HIV có ngại gì”

Chiến dịch triển khai từ 17-11 đến 15-12-2021 nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng HIV và loại bỏ những kỳ thị liên quan đến HIV, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021.  
Chiến dịch y tế công cộng “Yêu mới khó - phòng ngừa HIV có ngại gì” triển khai từ 17-11 đến 15-12-2021
Chiến dịch y tế công cộng “Yêu mới khó - phòng ngừa HIV có ngại gì” triển khai từ 17-11 đến 15-12-2021

Sáng 17-11, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC US), Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR), Tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) chính thức khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam với chủ đề “Yêu mới khó - phòng ngừa HIV có ngại gì”.

Chiến dịch triển khai từ ngày 17-11 đến 15-12-2021 nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng HIV và loại bỏ những kỳ thị liên quan đến HIV, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021. Chiến dịch sẽ tạo ra những đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Chiến dịch “Yêu mới khó - phòng ngừa HIV có ngại gì” quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất – so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng virus để dự phòng HIV.

Chiến dịch giúp thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao là không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó. Chiến dịch cũng muốn chuyển tải thông điệp hiện nay tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở khi nói về các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe.  

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, chiến dịch nhắm đến những người trẻ, đặc biệt là những người đang có nguy cơ cao đối với HIV. Đồng thời truyền đi thông điệp về việc phòng ngừa, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ.

Chiến dịch thúc đẩy ý tưởng rằng việc biết được tình trạng HIV của bản thân có thể tạo điều kiện, động lực cho mọi người bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nếu họ có HIV âm tính hoặc điều trị kháng virus (ARV) nếu họ có HIV dương tính.

Với một người có H điều trị bằng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ. Đây chính là nội dung thông điệp “ Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K). Chiến dịch cũng kêu gọi chăm sóc y tế dành cho mọi người một cách bình đẳng, tạo điều kiện cho các chăm sóc không kỳ thị dành cho cả người có H lẫn không có H. 

Thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống là 212.769 trường hợp. Từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).

Cũng từ đầu năm 2021 tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong

Tin cùng chuyên mục