Khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn

Các quốc gia trên thế giới đã có bước nhảy vọt trong việc biến rác thành nguồn nguyên liệu đầu vào để tái tạo, tái chế thành điện năng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. 

Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để việc xử lý chất thải được áp dụng các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm diện tích đất, thu hồi được tài nguyên và năng lượng, nhưng vẫn chưa thực hiện được, cho dù ở TPHCM - địa phương đi đầu của cả nước - cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư. Nhưng mãi đến gần đây mới chính thức khởi công xây dựng Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại (tại huyện Bình Chánh, TPHCM), khởi đầu cho hoạt động xử lý chất thải bước qua giai đoạn mới.

Giải bài toán chất thải rắn

Theo số liệu từ Sở TN-MT TPHCM, hiện nay lượng rác công nghiệp tại TPHCM phát sinh hơn 4.000 tấn/ngày, còn lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 350-400 tấn/ngày. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân TPHCM.

Vì thế, nhiều năm qua, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM đã rất quan tâm đến lĩnh vực này. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu hết sức cụ thể. Nghị quyết 03 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP cũng đề cập đến định hướng phát triển các nhà máy xử lý chất thải công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn ảnh 1 Khu Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp nguy hại tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đó, Sở TN-MT TPHCM đã kêu gọi đầu tư vào các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ đốt thu hồi năng lượng và xử lý chất thải công nghiệp nguy hại với nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giá mua, giá bán điện, nguồn vốn và thuế. UBND TPHCM đã ban hành quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của TP đối với các dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung. Bước đầu, các chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp. 

Dự án Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại vừa được khởi công do Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư, có quy mô công suất 500 tấn/ngày, được xây dựng trên diện tích gần 17ha, nằm trong Khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của TPHCM tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một trong số các dự án mà Sở TN-MT đã kêu gọi đầu tư. 

Hướng đến quy mô vùng, liên tỉnh

Điểm nổi bật của dự án là sử dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ nhiệt (lò đốt); công nghệ xử lý chất thải lỏng; công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu; công nghệ xử lý và tái chế chất thải điện tử; công nghệ phá hủy xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại đen và kim loại màu; chôn lấp an toàn…

Nhờ vậy, nhà máy có thể xử lý và tái chế từ 70%-90% chất thải thành nguyên liệu và sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm đạt  quy chuẩn quốc gia ở mức độ cao nhất. Đây cũng là dự án thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khi có từ 80%-90% năng lượng nhà máy sử dụng là năng lượng tái tạo. Theo đó, nhà máy sẽ lắp pin mặt trời trên các mái nhà xưởng, có khả năng cung cấp 48.000kWh/ngày và hơn 17 triệu kWh/năm. 

Theo đại diện ban giám đốc Sở TN-MT TPHCM, đây là nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung đầu tiên trên địa bàn TPHCM được khởi công xây dựng, là cột mốc đánh dấu nỗ lực của thành phố trong việc gia tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn, từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng các nguồn tài nguyên trong chất thải rắn; đồng thời đáp ứng nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 là “…xây dựng, phát triển các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung, quy mô vùng tỉnh, vùng liên tỉnh theo quy hoạch quản lý chất thải rắn được phê duyệt, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại”.

Tin cùng chuyên mục