​Khởi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ngày 30-9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo nhấn nút khởi công dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo nhấn nút khởi công dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Tham dự có lễ khởi công có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cùng đại diện các bộ ngành trung ương.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 1 trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được khởi công sáng nay, cùng với hai dự án khác là Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) và Mai Sơn - QL45 (Thanh Hoá).
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km). Điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) - tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. 
Tổ chức thực hiện và quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 12.578 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng; khi hoàn chỉnh có 6 làn xe.
​Khởi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ảnh 1 Khởi công  triển khai thi công dự án cao tốc 
Theo Bộ GTVT, 3 dự án thành phần này dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022, cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế...
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong ba đột phá chiến lược của đất nước. Thời gian qua, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực phát triển nhiều vùng, miền. Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế phát triển đến đó, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này.
Theo Phó Thủ tướng, khi hoàn thành, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm nhất là các khu công nghiệp cảng biển, vì vậy tuyến đường có ý nghĩa hết sức to lớn đối với đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Đặc biệt, hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, sau khi đoạn tuyến hoàn thành sẽ kết nối, phát huy hiệu quả các đoạn cao tốc đã và đang được đầu tư Dự án rút ngắn hành trình từ TPHCM đến các khu vực Nam Trung bộ mở ra cơ hội đầu tư vào; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá cho toàn vùng. Tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan bám sát thực địa, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án; hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị thi công, cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng và bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát và vi phạm pháp luật. Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận chia sẻ, ủng hộ dự án, sớm bàn giao mặt bằng để dự án thi công đảm bảo tiến độ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, dự án qua 4 huyện - thành phố là Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh và Thống Nhất, với hơn 1.241 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 40 hộ bị giải tỏa trắng. Đến nay bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn thành. Ông Dũng nhấn mạnh, đây là tuyến đường kết nối sân bay Long Thành trong tương lai, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh - đại diện liên danh nhà thầu thi công cam kết sẽ hoàn thành phần việc được giao vượt tiến độ chủ đầu tư đề ra, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động tuyệt đối. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải.

Tin cùng chuyên mục