Khoảnh khắc Sơn Trà

Voọc chà vá chân nâu được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chọn làm hình ảnh nhận diện cho TP Đà Nẵng nhân sự kiện APEC 2017 - diễn ra tại Đà Nẵng. 
Sau những nỗ lực truyền thông của các tổ chức bảo tồn và sự hưởng ứng của đông đảo người dân, tháng 8-2016, voọc chà vá chân nâu được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chọn làm hình ảnh nhận diện cho TP Đà Nẵng nhân sự kiện APEC 2017 - diễn ra tại Đà Nẵng. Cũng từ đó, việc săn ảnh voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc ngũ sắc) trên bán đảo Sơn Trà trở thành trào lưu của cánh nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn không chuyên.
Người phụ nữ gọi voọc
Chị Đặng Thu Thủy, một nhiếp ảnh gia không chuyên, thầm lặng đi về bán đảo Sơn Trà mỗi ngày, để ghi lại những hoạt động của đàn voọc đang sinh sống tại đây. Tôi muốn bắt chuyện với chị, nhưng thật khó, vì chị mải miết theo dõi đàn voọc, tay cầm máy ảnh, chân di chuyển liên tục, sự tập trung cao độ, chị muốn ghi lại mọi khoảnh khắc của đàn voọc… 
Cuối cùng, chị cũng đã dành cho tôi một buổi trò chuyện, trải lòng về tình yêu đối với thiên nhiên và nhất là với đàn voọc. Chị tâm sự: “Tôi xem Sơn Trà như nhà của mình, những chú voọc như những thành viên trong gia đình”, đặc biệt chị gọi những chú voọc nhỏ là những đứa trẻ. “Nhìn chúng chơi đùa, trong lòng tôi cũng rộn ràng và vui sướng theo”. Chị Thủy đi Sơn Trà đều đặn không kể mưa gió, từ 4 giờ sáng đến trưa về, chiều lại từ 14 giờ đi cho đến khi mặt trời xuống núi. Đêm đến, chị mở những bức ảnh đã chụp được ra xem và sắp xếp lại. Ngày hôm sau tiếp tục như thế. Chị chia sẻ: “Có hôm mệt quá không đi nổi, tôi nói với bạn bè là không đi, nhưng ở nhà lại đứng ngồi không yên, cuối cùng lại phóng xe đi”. 
Khoảnh khắc Sơn Trà ảnh 1 Hệ sinh thái tự nhiên của Sơn Trà rất đa dạng, đặc biệt đây là "ngôi nhà" của loài nữ hoàng linh trưởng - vọoc chà vá chân nâu quý hiếm. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
Những nhiếp ảnh gia ở Sơn Trà kể rằng, chị Thủy có tài gọi voọc, chị có thể trò chuyện, bảo chúng biểu diễn nhảy múa cho chị chụp ảnh, thậm chí chúng đến bên chị rất gần… Chị Thủy bật cười khi nghe thế: “Không phải đâu, tôi chẳng có khả năng như mọi người đồn, chẳng qua ngày nào cũng lên đây, chơi với chúng nên chúng quen. Ban đầu tôi chỉ huýt gió, ngay khi chúng ăn tôi lại huýt gió, trò chuyện, bảo chúng nhảy múa, khi vào đúng tư thế đẹp, tôi bảo chúng đứng yên cho tôi chụp, chụp xong tôi khen chúng giỏi… Điều này lặp đi lặp lại quá nhiều lần, chúng cảm thấy tôi vô hại. Giọng nói, hình dáng của tôi trở nên quen thuộc với chúng, càng ngày chúng càng gần tôi hơn như một phản xạ có điều kiện”.
Theo chị Thủy, mỗi ngày nhìn chúng ăn, ngủ, sinh hoạt, chăm sóc, bảo vệ nhau không khác gì con người. Chúng cũng có vợ, có chồng, có con, có tình yêu đôi lứa. Khi phát hiện có người theo dõi, voọc mẹ và con thường ẩn mình sau những tán lá. Mỗi bầy voọc đều có một con đầu đàn. Nó lĩnh trách nhiệm ngồi ở vị trí cao nhất để cảnh giới cho đàn của mình. Con đầu đàn thân hình to khỏe, bộ lông đẹp và những cú chuyền cành của nó có khi lên đến 10m. Khi tiếng “khộc, khộc...” của nó cất lên, các con khác sẽ di chuyển để tránh mối nguy, nó luôn là con cuối cùng rời khỏi cành cây. Khi vào mùa sinh sản, các đôi voọc quấn quít không rời nhau nửa bước…
Sau những rong ruổi, đổ mồ hôi, nước mắt, có lần gặp tai nạn, có lần một mình giữa rừng núi, nhưng sự cho đi của chị đã được nhận lại. Chị có được khoảnh khắc đẹp của các đàn voọc. Chị tích lũy được một tài sản đồ sộ gồm hình ảnh, video về Sơn Trà, về đàn voọc. Chị đã triển lãm bộ ảnh Sơn Trà nhà tôi với 55 tác phẩm độc đáo về voọc chà vá chân nâu. Ngắm từng bức ảnh, mới thấy được tấm lòng của chị đối với loài linh trưởng quý hiếm này. Toàn bộ các tác phẩm sau triển lãm đã được chị tặng cho Bảo tàng Đùng Đình Đà Nẵng, để góp thêm tiếng nói, quảng bá hình ảnh voọc chà vá chân nâu đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
Sơn Trà, nguồn cảm hứng bất tận
Ngoài chị Thủy, còn có các nhiếp ảnh gia không chuyên khác như Lê Phước Chín, Hoàng Hạ Lam Phương, Dương Thanh Tùng… của địa phương và đến từ các nơi như anh Trần Đình Hùng (Bình Định), anh Đạo Sĩ (TPHCM), có cả những người từ bên kia bờ đại dương như anh Quỳnh (Hoa Kỳ) cũng tranh thủ về Đà Nẵng, đi Sơn Trà để săn ảnh voọc chà vá chân nâu. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên mọi miền đất nước cũng tụ hội về đây như nghệ sĩ Đào Hoa Nữ  (CLB Nhiếp ảnh Hải Âu TPHCM), Hoàng Thạch Vân (Hội Nhiếp ảnh Việt Nam TPHCM), Nguyễn Văn Thương (Lâm Đồng), Nhất Hạnh (Gia Lai), anh Trung (Bình Định), Ngọc Thái (Hà Nội), Trà Thiết (Quảng Trị), Phạm Văn Tý (Huế), Thanh Hải (Nghệ An)… để ghi lại những khoảnh khắc sinh động của loài nữ hoàng linh trưởng. 
Khoảnh khắc Sơn Trà ảnh 2 Triển lãm ảnh về voọc chà vá chân nâu 2017 tại Công viên Trung tâm thành phố Đà Nẵng
Anh Huỳnh Anh, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn, cho biết CLB đã tổ chức 2 cuộc triển lãm, trưng bày 120 tác phẩm ảnh nghệ thuật dưới nhiều góc nhìn mới lạ, độc đáo, mang đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về đời sống sinh hoạt của loài voọc chà vá chân nâu và nhiều bức ảnh chim muông, phong cảnh bốn mùa ở Sơn Trà. Dự kiến tháng 6 này, CLB sẽ tổ chức tiếp một cuộc triển lãm như thế ngoài Đà Nẵng, nhằm tuyên truyền quảng bá rộng hơn về thiên nhiên của núi Sơn Trà. 
Cũng theo anh Huỳnh Anh, việc đưa khách chụp ảnh, khách du lịch đến tận nơi sinh sống của voọc ở Sơn Trà mà thiếu sự quản lý, hướng dẫn sẽ là mối nguy hại cho tập tính sinh trưởng, sinh sản của loài này. “Hiện nay, từ 4 giờ sáng đến 19 giờ tại núi Sơn Trà, lúc nào cũng có thể bắt gặp các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên. Chúng tôi thay nhau canh giữ Sơn Trà, sau 19 giờ sẽ bàn giao cho lực lượng kiểm lâm”, anh Huỳnh Anh chia sẻ thêm. 
Cùng với chị Thủy, anh Huỳnh Anh… các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên đã và đang dùng ngôn ngữ của hình ảnh để tuyên truyền về tài sản riêng có của Đà Nẵng là voọc chà vá chân nâu. Qua đó, các nghệ sĩ mong mỏi Chính phủ và chính quyền địa phương quan tâm bảo vệ hệ sinh thái Sơn Trà, ngăn chặn việc săn bắt muông thú tại nơi này. Việc phát triển du lịch trên núi Sơn Trà nếu không được cân nhắc kỹ thì hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ…và voọc chà vá chân nâu Sơn Trà trở thành một khoảnh khắc của quá khứ!

Tin cùng chuyên mục