Khoảng tối bóng đá

Cho dù truyền hình và mạng xã hội có bùng nổ đến đâu, thì trong thể thao, sự hấp dẫn vẫn được đo lường bằng khán đài. Không phải tự nhiên mà các sân bóng đều có xu hướng xây mới, tăng sức chưa và tiện nghi hơn. Vì thế, pháo sáng hay nói rộng hơn, tính an toàn của các sân bóng đang là một mảng tối của bóng đá Việt Nam.

 Vụ pháo sáng tại sân vận động Hàng Đẫy hôm 11-9 vừa qua sẽ gây hậu quả khó lường nếu quả pháo bay thẳng vào đầu hoặc nếu hoảng loạn còn có thể gây ra thảm kịch khác.

Phải đặt ra các tình huống cực xấu như vậy để nhận định cho đúng vấn đề của bóng đá Việt Nam: An toàn, an ninh sân bóng. Rõ ràng, những kẻ phá hoại đội lốt cổ động viên (CĐV) không chỉ đem pháo sáng để đốt, họ đem pháo thăng thiên có tầm bắn xa với chủ đích tấn công, họ sẵn sàng tấn công luôn lực lượng cảnh sát cơ động… Đó là những hành động có tổ chức, được lên kế hoạch. Nếu không phải là pháo sáng, cũng có thể là các công cụ gây rối khác, bởi mục đích là phá hoại.

Từ đó, có thể thấy rõ sự bị động của lực lượng an ninh tại sân Hàng Đẫy. Việc kiểm soát các CĐV Nam Định dường như chỉ đặt ở góc nhìn đơn giản nhất, chủ yếu ngăn ngừa tai nạn đáng tiếc, chứ không cảnh giác đối phó với một vụ phá hoại có tổ chức. Chính vì vậy, các CĐV của đội chủ nhà bên phía khán đài đối điện hoàn toàn không có phòng bị gì. Nhưng sau sự việc tại sân Hàng Đẫy, khán giả nữ, những CĐV lớn tuổi, các phụ huynh muốn con mình được đến sân để thưởng thức bầu không khí đặc biệt của một trận đấu, liệu có đủ dũng cảm đến sân bóng hay không khi họ chứng kiến sự bất lực của những bộ phận tổ chức trận đấu.

Nên không thể nhìn nhận pháo sáng theo kiểu một hiện tượng, cần phải đặt các câu hỏi quyết liệt hơn đối với những giải pháp an ninh, an toàn tại các sân bóng Việt Nam. Hiện nay, 99% các trận đấu tại V-League đều được truyền hình trực tiếp, bên cạnh những nét đẹp trong bóng đá, thì sự quảng bá rộng rãi đó chắc chắn cũng tạo ra cơ hội cho những thành phần phá hoại. Không thể kiểm soát an ninh trên các khán đài, thì hậu quả thực sự còn lớn hơn rất nhiều, khi đó, nó chẳng còn là chuyện riêng của bóng đá.

Thật đáng tiếc, an ninh sân bóng là một mảng tối, là “khối u” luôn ẩn phía trong cơ thể bóng đá Việt Nam và những lúc bùng phát, luôn để lại di chứng nặng nề. Vụ bạo loạn trên sân Vinh mùa 2008 là ví dụ, khi lực lượng an ninh, vì sợ vỡ sân, buộc phải mở cửa để đón nhận lượng khán giả khổng lồ rồi sau đó vô phương kiểm soát. Trận đấu tại Hàng Đẫy vừa qua cũng thế, đã được cảnh báo trước nhưng lại không thể bố trí các máy móc kiểm soát an ninh, khi xảy ra sự việc cũng không đủ lực lượng khống chế đến mức bị tấn công ngược.

Điều này cho thấy các sân bóng đá Việt Nam có lỗ hổng về an ninh. Đó có thể là khâu thiết kế kiểm soát bên ngoài quá cũ kỹ. Đó cũng có thể là thiếu kinh phí, thiếu kịch bản an ninh dẫn đến việc bố trí không đủ lực lượng. Hoặc cũng có thể là những người chịu trách nhiệm cao nhất là trưởng BTC sân và giám sát trận đấu không đủ kinh nghiệm, hoặc chưa được tập huấn đầy đủ về mặt nghiệp vụ an ninh, an toàn… Thực tế thì chỉ cần kiểm tra mọi trận đấu tại V-League hiện nay, chắc chắn sẽ tồn tại ít nhất 1 lỗ hổng nói trên. 

Vấn đề là chưa từng có trận đấu nào tại V-League bị hoãn vì lý do an ninh. Có trận đấu, khán giả đã tràn xuống tận đường biên nhưng vẫn được tiếp tục. Nhiều trận, pháo sáng hoặc vật cứng ném đầy xuống sân khiến trận đấu phải tạm dừng, nhưng rồi vẫn cứ tiếp tục. Những kiểu “du di” ấy vô tình khiến khán giả cảm thấy bất an bởi tính mạng của họ khi đi xem bóng đá lại gần như phụ thuộc vào việc may mắn hay không. Thậm chí, tấm vé họ mua để vào sân cũng không hề được bảo hiểm dù rõ ràng, đi xem bóng đá hiện nay cũng là một sự mạo hiểm không nhỏ.

Như đã nói, trong thời buổi hiện nay, nếu kéo được khán giả đến sân, đó không chỉ là thành công về mặt kinh doanh. Cầu thủ luôn đá tốt hơn khi chơi trong sân đông khán giả và nhiều màu sắc cổ động. Các nhà tài trợ cũng hài lòng hơn khi nhìn hình ảnh khán đài được phủ kín. Một đội bóng đá đẹp, đá vì khán giả có thể thu hút được các CĐV đến sân. Nhưng để giữ được họ ngồi lâu hơn, mời gọi thêm nhiều người khác cùng đi xem, thì phải bảo đảm an toàn cũng như tạo ra sự thoải mái cho họ. Nên nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hay các nhà tổ chức trận đấu của các CLB không quyết liệt giải quyết khối u về an ninh, thì mọi nỗ lực khác của cầu thủ sẽ đổ sông, đổ bể.

Tin cùng chuyên mục