Khoảng cách giữa chính sách và thực thi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN
Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề. Điển hình, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay do 3 bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp cùng quản lý theo 3 nghị định độc lập. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề. Điển hình, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay do 3 bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp cùng quản lý theo 3 nghị định độc lập. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào ngày 17-5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, đưa ra những số liệu và nhận định rất đáng lưu ý, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 54/63 địa phương, 19/19 bộ, cơ quan ngang bộ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 
Theo báo cáo, đáng ghi nhận là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đều đã ban hành chương trình hành động và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ. Trong nhóm giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho DN. Lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính, là thuế và hải quan (DN kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64% và được hỗ trợ nộp thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với 2015)… Mạng đăng ký DN điện tử đã được đưa vào vận hành, hiện có 95/115 quy trình đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%. Các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính cũng đã đạt được một số kết quả nhất định: 95,85% số thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa... 
Ở cấp địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đã ký cam kết với VCCI về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; nhiều nơi có sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu, đem lại những chuyển biến, đóng góp tích cực đến sự phát triển của DN trên địa bàn, điển hình như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp... Một số địa phương đã ban hành chương trình khởi nghiệp (Long An), thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (An Giang), thành lập Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Quảng Nam), kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp (Vĩnh Phúc, Đồng Tháp)…
Tuy nhiên, phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. DN vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành còn nhiều điểm mâu thuẫn, chưa thống nhất, chẳng hạn giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường. Hay như Luật Đất đai 2013 không quy định thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, dẫn đến vướng mắc trong việc thu thu hồi đất và xử lý nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi dự án bị chấm dứt hoạt động... Luật Dược năm 2015 được ban hành với tinh thần mới được cộng đồng DN dược kỳ vọng, song dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành lại đưa ra những điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh trong quá trình thực hiện và có thể góp phần đẩy giá thuốc lên so với thực tế.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề gây khó khăn và gia tăng gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN. Điển hình, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay do 3 bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp cùng quản lý theo 3 nghị định độc lập. DN cũng phải xin giấy phép, chứng nhận chất lượng của các cơ quan khác nhau về cùng một nội dung cần kiểm nghiệm (Cục Thú y, Trung tâm Kiểm dịch…) khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa cũng còn lỏng lẻo, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng rào kỹ thuật chưa phát huy tác dụng… Cũng theo phản ánh từ cộng đồng DN, vấn đề tiếp cận vốn còn rất nhiều khó khăn; đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Có thể thấy, dù đã có những thành tựu được trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, công cuộc tạo lập, cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần “Chính phủ kiến tạo” còn rất dài và gian nan.

Tin cùng chuyên mục