Khổ vì chủ đầu tư “quên” bồi thường

Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TPHCM) đi vào hoạt động đã hơn chục năm qua, cũng từ thời điểm này, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc “quên” triển khai công tác bồi thường đối với 10ha đất còn lại. 

Số phận của hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng này không biết sẽ “đi đâu về đâu”, giờ đây họ phải sống chung với ô nhiễm môi trường, ngập nước, bị tệ nạn, tội phạm trộm cắp, cướp giật bủa vây; việc sinh hoạt phải co cụm vì có đất nhưng không được mở rộng hoặc xây thêm nhà, việc học hành của con em gặp trở ngại do vướng pháp lý về nơi ở…

Khổ vì chủ đầu tư “quên” bồi thường ảnh 1 Một khu đất trong dự án KDC Vĩnh Lộc chưa giải tỏa, bồi thường bị ô nhiễm nặng
Ngàn nỗi khổ chưa biết hồi kết

Chỉ vào căn nhà cấp 4 rộng chừng 60m2 (số 1/28 khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B) đang xuống cấp, hư hỏng nặng ở phía sau, ông Lê Văn Đông (68 tuổi) than: “Đại gia đình gồm tôi, vợ, 4 con đã có gia đình và các cháu nội, ngoại phải sống co cụm trong ‘‘cái hang’’ này suốt chục năm qua vì đất đã quy hoạch, xây rộng thêm không được, bán chẳng ai mua, trong khi đó thông tin về tiến độ bồi thường thì mờ mịt, 6 năm rồi không thấy chủ đầu tư nói gì”.

Ông Đông cho biết, năm 2013, sau khi đo vẽ ranh mốc, kiểm tra hiện trạng, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân gửi bảng chiết tính bồi thường tổng số tiền 2,217 tỷ đồng đối với toàn bộ đất, vật kiến trúc, rau màu. Xem qua, gia đình ông Đông viết giấy đồng ý, ban bồi thường và chủ đầu tư đều ký xác nhận nhưng sau đó tất cả đều im luôn, cũng không nêu rõ lý do vì sao.

“Tôi liên hệ phường thì họ bảo chờ, điện thoại vào số nhân viên của chủ đầu tư (phụ trách hồ sơ của tôi) thì không bắt máy. Đường cùng, tôi đến trụ sở chủ đầu tư, bảo vệ không cho vào, bảo khi nào có giấy mời thì lên. Thật khó hiểu! Nếu Nhà nước tiếp tục thực hiện dự án thì đẩy nhanh việc bồi thường, còn nếu không thực hiện thì ra quyết định điều chỉnh - xóa quy hoạch, cớ sao phải mập mờ, để dân sống trong khổ sở”, ông Đông bức xúc. 

Cùng có nhà đất bị ảnh hưởng trong dự án KCN Vĩnh Lộc, điều kiện sống  - sinh hoạt của gia đình ông Lê Văn To (số 1/31, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B) cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông To, sau khi chính quyền đưa bảng giá chiết tính bồi thường đất nhà vào năm 2013, đến nay gia đình ông không nhận được thông tin, phản hồi gì thêm.

“Ở thời điểm nhận bảng chiết tính, tôi và một số hộ khác đề nghị được bố trí nền tái định cư (TĐC) vì thấy diện tích đất bị giải tỏa lớn, số khẩu trong gia đình đông, nhưng đại diện chủ đầu tư bảo không có. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án này có khu TĐC nằm trên đường Bình Thành (phường Bình Hưng Hòa B). Cuộc sống của chúng tôi bị “treo” theo dự án này đã 22 năm (dự án triển khai năm 1997), đến giờ vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Ngàn nỗi khổ vẫn chưa biết hồi kết”, ông To chán ngán.

Nỗi khổ lớn nhất của gia đình ông To hiện nay là thường xuyên phải sống chung với nước ngập. Bị bao quanh bởi các nhà máy, xí nghiệp trong KCN Vĩnh Lộc được san lấp, xây dựng trên nền đất cao sau này, nhà của ông To trở thành khu vực trũng thấp, mưa xuống là ngập lênh láng.

“Sợ nhất những đợt mưa lớn, nước ngập như sông, tràn vào nhà sâu cả nửa mét, có khi 2 ngày sau nước vẫn chưa rút, muỗi mòng phát sinh, con trẻ thường xuyên bị bệnh”, ông To lo lắng.

Ô nhiễm môi trường cũng là nỗi khổ thường trực mà các hộ dân sống trong khu quy hoạch dự án KCN Vĩnh Lộc phải gánh chịu do mùi hôi, tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất của KCN liên tục thải ra. Rất nhiều hộ dân vì không chịu nổi ô nhiễm đã cho người vãng lai vào thuê nhà rồi đi nơi khác thuê ở.

Lợi dụng điều này, các đối tượng nghiện ngập, mua bán ma túy vào ẩn náu hoạt động, kéo theo tệ nạn bài bạc, tội phạm trộm cắp, cướp giật, cho vay nặng lãi… phát sinh. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B Nguyễn Thanh Duy Tân thừa nhận, việc chậm triển khai bồi thường khu vực 10ha còn lại trong dự án KCN Vĩnh Lộc đã kéo theo nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực phát sinh trong thời gian qua.

Qua thống kê cho thấy, trong khu vực 10ha nói trên có 167 hộ dân sinh sống. Các sinh hoạt của người dân trong khu vực này hiện gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, phường đã kiến nghị UBND quận Bình Tân, UBND TPHCM có giải pháp buộc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Với các hộ dân đồng ý nhận tiền đền bù (hoàn tất xong các thủ tục bồi thường, hiệp thương), đề nghị chủ đầu tư chi trả ngay để người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an cư. Nếu không tiếp tục thực hiện dự án, đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh ranh để TĐC tại chỗ cho các hộ dân. 

Kiến nghị, chỉ đạo nhiều vẫn chưa chuyển biến

Theo UBND quận Bình Tân, nguyên nhân chủ quan dẫn đến công tác bồi thường ở khu vực 10ha diễn ra chậm là do chủ đầu tư  không hợp tác về giá chứng thư thẩm định, không bố trí vốn kịp thời khi người dân đồng thuận giá bồi thường, tinh thần phối hợp với các đơn vị liên quan chưa cao.

Ngày 1-3-2018, quận Bình Tân có Báo cáo số 90 đề xuất, kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành rà soát, kiểm tra toàn diện dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Đến ngày 5-6-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 5310 kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP về báo cáo lập kế hoạch thực hiện bồi thường và TĐC (trong vòng 10 ngày kể từ ngày văn bản này phát hành), đồng thời cam kết trong vòng 2 năm kể từ ngày phương án bồi thường và TĐC được phê duyệt (trong trường hợp UBND TPHCM chấp thuận cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án) phải hoàn tất công tác bồi thường hỗ trợ, TĐC cho người dân.

Yêu cầu là vậy, song trên thực tế đến nay, mọi việc vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Nỗi khổ của người dân có đất nhà ảnh hưởng trong vùng quy hoạch dự án KCN Vĩnh Lộc sẽ không có hồi kết nếu chính quyền, ngành chức năng các cấp thiếu quyết liệt, không có biện pháp mạnh với chủ đầu tư.

Dự án KCN Vĩnh Lộc được triển khai thực hiện theo Quyết định 81/TTg ngày 5-2-1997 của Thủ tướng Chính phủ. Ban đầu do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn làm chủ đầu tư, sau chuyển sang Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc. Tổng diện tích đất thu hồi theo Quyết định 2670 của UBND TPHCM là 206,32ha.

Tin cùng chuyên mục