Khó trị cơn sốt đất nền

Đất nền vẫn đang tiếp tục sốt ở nhiều địa phương mà chưa có phương thuốc nào chữa trị. Theo các chuyên gia về bất động sản (BĐS), chính tâm lý của người dân, giàu nghèo gì cũng muốn có “tấc đất cắm dùi” và sự lỏng lẻo trong quản lý của các địa phương, đã khiến cơn sốt này luôn âm ỉ và bùng phát thời gian gần đây.

Trong những câu chuyện của giới kinh doanh BĐS, việc phân lô bán nền được ví như là một miếng bánh rất hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi lợi nhuận rất lớn và tính thanh khoản tốt. Điểm đến của họ là các địa phương có quỹ đất dồi dào, có tiềm năng phát triển và có chính sách thu hút nhà đầu tư.

Họ dùng “lá bùa” BT (nôm na là hình thức đổi đất lấy hạ tầng) để có được một quỹ đất nông nghiệp rồi chuyển đổi mục đích sử dụng. Các chủ đầu tư chỉ cần bỏ ra chi phí mua quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, chi phí “ngoại giao” là đã có thể bán giá chênh gấp 10, gấp 20 lần so với giá thành.

Ví dụ, ở Bắc Ninh, tiền đền bù đất nông nghiệp, chỉ khoảng 70-80 triệu đồng/sào, sau khi đầu tư hạ tầng cơ bản, hiện nhiều dự án đang được chào bán với giá 25 triệu đồng/m2. Tình trạng này cũng đang diễn ra phổ biến ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, vùng ven Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Đặc biệt, khi cơn sốt ập đến, nhiều nhà đầu tư còn bất chấp các quy định về việc phân lô bán nền, sẵn sàng bán đất nền trên giấy mà chưa hề có kết cấu hạ tầng đi kèm, không đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân; không đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…

Cũng trong cơn sốt đất nền, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ còn tận dụng chính sách mới về giải quyết tách thửa, bỏ tiền ra mua những quỹ đất lớn, sau đó tự phân lô đem bán. Cơn sốt đang ngày càng lan rộng và biến chứng với những thông tin về quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa có xác nhận về mặt pháp lý, những khung giá ảo liên tục được xác lập mới và chưa có điểm dừng.

Các chuyên gia về quy hoạch, xây dựng đang hết sức lo ngại về hậu quả của cơn sốt này. Không chỉ là cái chết được báo trước cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang lao vào như con thiêu thân mà còn tạo ra những đô thị với các công trình xây dựng manh mún, tự phát, vô tổ chức.

Cơn sốt này xem ra khó chữa bởi tâm lý người dân luôn thích đất nền, trong khi chính quyền địa phương quản lý quy hoạch còn lỏng lẻo, không công khai quy hoạch rõ ràng cho người dân.

Và cho đến thời điểm này, chính quyền các địa phương cũng chưa có những biện pháp cứng rắn với những nhà đầu tư không tuân thủ quy định. Hệ lụy là những nhà đầu tư dại dột lao vào sau cùng sẽ gánh chịu rủi ro và một bộ mặt đô thị nhếch nhác không cách nào sửa chữa.

Tin cùng chuyên mục