Khó tìm được tiếng nói chung ở Syria

Trong bối cảnh các cuộc không kích và xung đột vẫn tiếp diễn tại khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, ngày 7-3, theo đề nghị của Anh và Pháp, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp khẩn để bàn về sự thất bại của lệnh ngừng bắn trong 30 ngày tại Syria. 

Chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Ghouta buộc phải đình chỉ
Chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Ghouta buộc phải đình chỉ

Chuyến hàng viện trợ đầu tiên bị đình lại

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 6-3 đã hối thúc tất cả các bên liên quan cần lập tức cho phép tiến hành các hoạt động vận chuyển nhu yếu phẩm một cách an toàn và đều đặn đến hàng trăm ngàn người dân đang sống trong cảnh khốn cùng theo một thỏa thuận đã đạt được trước đó với Chính phủ Syria. 

Kể từ khi lệnh ngừng bắn 5 giờ/ngày hay còn gọi là “khoảng dừng nhân đạo” do Nga đề xuất có hiệu lực từ ngày 27-2 vừa qua, ngày 6-3, chuyến viện trợ đầu tiên là một đoàn 46 xe chở hàng cứu trợ - thuộc chiến dịch chung giữa Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ của Syria và LHQ - đã tới các khu vực do phiến quân kiểm soát ở Đông Ghouta.

Hàng cứu trợ nhân đạo gồm thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, tổng cộng lên đến 247 tấn. Tuy nhiên, do các cuộc không kích và nã đạn pháo vẫn tiếp diễn (khiến 68 thường dân thiệt mạng), các nhân viên LHQ phải đình chỉ công việc và rút khỏi khu vực này. 

Đề xuất của Nga gần như đã bị phá vỡ bởi bạo lực khi Nga và Syria cáo buộc các nhóm vũ trang bắn phá hành lang nhân đạo. Tính đến ngày 5-3, mới chỉ có 13 người thoát ra cùng với 1 đoàn xe của LHQ. Theo LHQ, hiện gần 50% số lương thực cứu trợ vẫn chưa thể đến tay người dân vô tội, trong khi mới chỉ có một phần thuốc men được dỡ xuống khỏi các xe chở hàng.

Mạnh ai nấy làm

Bất chấp lệnh ngừng bắn theo Nghị quyết 2401 của LHQ, chiến sự tại Syria vẫn tiếp diễn, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường. Số liệu thống kê của Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria cho thấy kể từ khi các cuộc giao tranh dữ dội nổ ra ngày 18-2 đến nay đã có 800 dân thường thiệt mạng, trong đó hơn 177 trường hợp là trẻ em. 

Giới phân tích nhận định việc triển khai một lệnh ngừng bắn toàn diện vào thời điểm hiện nay là khó khả thi bởi tìm được tiếng nói chung giữa nhiều lực lượng đang cùng hiện diện tại chiến trường này là một tiến trình phức tạp.

 Ngày 6-3, quân đội Nga thông báo các tay súng đối lập Syria được phép mang theo vũ khí rời khỏi vùng Đông Ghouta cùng với gia đình qua hành lang nhân đạo. Phía Nga cho biết, lần này hành lang không chỉ được mở cho dân thường Đông Ghouta mà cho cả các tay súng và gia đình của họ.

Thông báo của quân đội Nga nêu rõ những người này được phép mang theo vũ khí cá nhân song không đề cập cụ thể đến những lựa chọn cho các tay súng vào khu vực do chính phủ kiểm soát. Những đối tượng này đã nhất trí rời khỏi khu vực, đồng thời sẽ đảm bảo cho các phiến quân được miễn truy tố.

Theo Reuters ngày 6-3, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dựng các trại tị nạn cho 170.000 người tại 9 địa điểm gần Idlib và khu vực Euphrates Shield của Syria trước khi có thể xuất hiện dòng người tị nạn xuất phát từ Afrin.

Đây là khu vực mà Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh, không nên xao nhãng tình hình tại Afrin, phía Bắc Syria nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai chiến dịch “Nhành Ôliu”. Ông đồng thời lấy làm tiếc vì sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại phiến quân người Kurd ở Afrin.

Bộ Ngoại giao Kazakhstan ngày 6-3 cho biết ngoại trưởng các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần tới tại thủ đô Astana của Kazakhstan để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 7 năm qua ở Syria. Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura sẽ được mời tham dự cuộc họp này.

Tin cùng chuyên mục