Khó phòng, chống bạo lực gia đình

Theo thống kê sơ bộ từ năm 2009 đến năm 2017, có 292.268 vụ bạo lực gia đình, trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ. Thực tế này một lần nữa đặt ra nhiều bài toán khó mà công tác phòng, chống bạo lực gia đình phải đối mặt.


Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức hội thảo 10 năm triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo thống kê sơ bộ từ năm 2009 đến năm 2017, có 292.268 vụ bạo lực gia đình, trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ. Thực tế này một lần nữa đặt ra nhiều bài toán khó mà công tác phòng, chống bạo lực gia đình phải đối mặt.

Bạo lực gia đình bị che giấu

Theo bà Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), bạo lực gia đình thường bị che giấu đằng sau cánh cửa, vì thế, nhận diện hành vi bạo lực gia đình là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, đặc biệt là các hình thức bạo lực: tình dục, kinh tế và tinh thần. Không chỉ vậy, do nhận thức hoặc do cá nhân, tập thể cố tình giấu giếm, che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”… nên nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra ở cộng đồng dân cư đã không được tổng hợp, báo cáo kịp thời.

Đồng tình với nhận định này, GS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cũng cho rằng việc can thiệp, hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương chưa có hiệu quả cao cũng do sự che giấu này. Việc hòa giải trong các vụ bạo lực gia đình hiện cũng mới tập trung chủ yếu đối với bạo lực về thể chất. “Do những người có liên quan che giấu nên một số hành vi bạo lực gia đình khi bị phát hiện đã quá muộn, gây ra hậu quả nghiêm trọng” - TS Nguyễn Hữu Minh nói và cho rằng, có những nơi cách xử lý hành vi bạo lực gia đình nửa vời, không triệt để, thậm chí có cán bộ còn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của từng nhà... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hành vi bạo lực không được ngăn chặn kịp thời.

Phân tích kỹ hơn về bạo lực xảy ra đối với trẻ em ở trong và ngoài nhà trường hiện nay, PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, giống như nhiều nghiên cứu khác trên thế giới, những đánh giá, tổng kết gợi ra rằng, ở Việt Nam, người bị bạo lực gia đình cũng thường có xác suất tự bạo lực cao hơn, có nguy cơ bị người ngoài đánh gây thương tích cao hơn, và ngược lại. Điều đó cho thấy, các nỗ lực ngăn ngừa bạo lực sẽ không hiệu quả nếu chỉ tách riêng bạo lực gia đình, bạo lực ngoài gia đình, và tự bạo lực. Cách tiếp cận hợp lý là ngăn chặn tất cả các dạng bạo lực, dù chúng xảy ra ở nhà hay ngoài xã hội. Cũng theo PGS-TS Vũ Mạnh Lợi: “Nếu không muốn con mình bị đánh ở ngoài gia đình thì trước hết xin đừng dùng bạo lực để giáo dục con mình ở nhà”.

Phạt nặng để răn đe

Theo nhận định của Vụ Gia đình, hiện nay, ngoài Bộ VH-TT-DL và Hội Nông dân Việt Nam có bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các cơ quan còn lại không có kinh phí triển khai. Hầu hết các địa phương cũng gặp khó khăn trong bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế đó dẫn đến tình trạng, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch sau khi được ban hành, việc triển khai chỉ mang tính hình thức.

Từ năm 2008 đến 2010, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì, phối hợp với địa phương thí điểm mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 64 xã/phường/thị trấn tại tất cả các tỉnh, thành phố. “Kết quả tổng kết sau 3 năm thí điểm cho thấy, số vụ bạo lực gia đình giảm 77,8% so với trước. Song sau đó mô hình này do thiếu kinh phí nên đã không còn phát huy tác dụng như ban đầu”, bà Trần Ánh Tuyết cho biết.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, qua thực tiễn cho thấy, các vụ việc bạo lực gia đình những năm gần đây ngày càng tăng về số lượng với tính chất, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là phụ nữ, trẻ em ở cả nông thôn và thành thị. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều bất cập, quá chung chung và không đầy đủ… Vì thế, đại diện Bộ Tư pháp đề xuất, cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để quy định hình thức xử phạt hợp lý, khả thi do một số hành vi quy định hiện hành có mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, muốn ngăn chặn, không để bạo lực gia đình núp sau cánh cửa thì cần nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân về việc phòng và chống bạo hành gia đình. Cùng với đó là thiết lập và phổ biến rộng rãi các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến cách thức tiếp cận và hỗ trợ cho nhóm gây bạo lực… 

Từ ngày 1-7-2008 đến ngày 31-7-2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm khoảng 76%).

Tin cùng chuyên mục