Khó nhọc tìm sân chơi nghệ thuật cho trẻ

Hè về, nhiều phụ huynh lại trăn trở với câu hỏi: cho con đi chơi ở đâu, sân khấu nào hấp dẫn, hay có chương trình truyền hình nào hay, bộ phim nào ý nghĩa, phù hợp lứa tuổi các bé? Câu hỏi và nhu cầu nhiều, nhưng thực tiễn đáp ứng lại ít ỏi, hiếm hoi. 
“Ngày xửa ngày xưa” của sân khấu kịch Idecaf - chương trình thiếu nhi hiếm hoi được đầu tư hoành tráng, quy mô
“Ngày xửa ngày xưa” của sân khấu kịch Idecaf - chương trình thiếu nhi hiếm hoi được đầu tư hoành tráng, quy mô

Những khoảng trống

Hơn chục năm qua, kịch nói dành cho thiếu nhi dường như chỉ còn mỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của sân khấu kịch Idecaf được bao thế hệ khán giả nhí đón nhận. Từ thắng lợi kéo dài đến 32 mùa của “Ngày xửa ngày xưa” cho thấy, nội dung những câu chuyện cổ tích, huyền thoại vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với thế giới con trẻ và cả người lớn.  

Nhưng ngoài “Ngày xửa ngày xưa” dành cho trẻ con tại TPHCM, hầu như không có đơn vị nghệ thuật công lập hay tư nhân nào khác chịu bỏ kinh phí để làm sân khấu thiếu nhi. Các CLB kịch rối một thời từng “làm mưa làm gió” với thế giới trẻ thơ tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi 24 quận huyện cũng dần biến mất. Trong một năm dài, tại thành phố chỉ có một vài chương trình ca múa nhạc nhỏ lẻ, múa rối, tạp kỹ giản đơn, kém quy mô… phục vụ đông đảo khán giả nhỏ tuổi. 

Ở lĩnh vực phim ảnh hay các chương trình truyền hình cho thiếu nhi cũng tồn tại nhiều vấn đề. Ngoài VTV7 là kênh truyền hình quốc gia nhằm phổ biến và nâng cao kiến thức cho trẻ em; ở phía Nam, khán giả nhí có thêm lựa chọn là HTV3 DreamsTV. Cả 2 kênh này có cả nội dung được Việt hóa từ các chương trình nước ngoài và sản xuất trong nước.

Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng có một chương trình đã tạo được thương hiệu, đó là series “Cổ tích Việt Nam” do Phương Nam phim sản xuất từ nhiều năm qua, với phim Cậu bé nước Nam hiện đang lên sóng và sắp tới là Hai chàng hảo hớn. Mảng gameshow truyền hình dù nở rộ nhưng cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều, đặc biệt là các chương trình về thi thố.

Trong khi đó, ở lĩnh vực điện ảnh, phim về thiếu nhi và cho thiếu nhi hầu như vắng bóng. Ngoài Bảo mẫu siêu quậy 1 và 2, điện ảnh Việt chỉ có những bộ phim thuộc đề tài gia đình: Nắng 1 và 2, Khi con là nhà, Ở đây có nắng, Hạnh phúc của mẹ, Mặt trời con ở đâu… Nhưng với hầu hết các phim này, không phải đối tượng trẻ em nào cũng có thể tiếp cận. Riêng thể loại phim hoạt hình, chưa có tác phẩm nào ra rạp, mới chỉ có một dự án đã công bố và đang trong giai đoạn sản xuất là Hành trình nhân quả. Đó là lý do, thị phần phim điện ảnh cho thiếu nhi hiện nay ưu thế tuyệt đối thuộc về các phim ngoại nhập. 

Thực tế, việc sản xuất các nội dung cho thiếu nhi hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đạo diễn Quách Khoa Nam, người thực hiện Cổ tích Việt Nam và Cậu bé nước Nam, cho biết những câu chuyện xưa làm sao để mới mẻ mà vẫn giữ đúng tinh thần; lựa chọn bối cảnh, diễn viên; áp lực cạnh tranh với các gameshow, giải trí trực tuyến, đặt ra nhiều vấn đề… Chính sự không coi trọng và không quan tâm đầu tư đã khiến cho khoảng trống văn hóa nghệ thuật dành cho trẻ thơ ngày càng rộng.  

Tự do giải trí và hệ lụy

Khi sân khấu thiếu nhi không có gì để xem, nội dung trên sóng truyền hình không thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức của trẻ em, phụ huynh, dẫn đến sự bùng nổ và áp đảo của hình thức giải trí trực tuyến. Chỉ tính riêng YouTube, theo xếp hạng của Social Blade, trong tốp 10 kênh dẫn đầu thị trường có ít nhất 3 kênh với các nội dung hoàn toàn cho trẻ em gồm: POPS Kids, Thơ Nguyễn, Kid Studio… đều thu hút hàng tỷ lượt xem. Đó còn là chưa tính các kênh ở quy mô nhỏ hơn, kênh có một phần nội dung cho trẻ em và đặc biệt là khối lượng đồ sộ các kênh YouTube nước ngoài. Các dịch vụ xem video theo yêu cầu (VOD) hay truyền hình internet (OTT) như: Netflix, FPT Play, Danet, Fim+… cũng đang ngày một phát triển. 

Hệ lụy của sự phát triển quá nhanh này là không phải nội dung nào trên môi trường số cũng được kiểm soát chặt chẽ. Những nội dung “bẩn” như: bạo lực, tình dục… xuất hiện tràn lan và đã không ít lần gây bức xúc dư luận.

Đại diện kênh HTV3 DreamsTV, cho biết: “Trong bối cảnh thiếu nhi Việt Nam (vốn chiếm hơn 25% dân số) thiếu các sản phẩm văn hóa lành mạnh để vừa giải trí, vừa học hỏi, chúng tôi mong muốn những sản phẩm mang tính giáo dục, giải trí sẽ ngày càng được quan tâm để không chỉ HTV3 DreamsTV mà nhiều nhà sản xuất khác cũng sẽ đầu tư vào mảng nội dung này, góp phần tạo nên đời sống tinh thần lành mạnh cho thiếu nhi Việt Nam. Có như vậy, mới giảm thiểu việc các em thiếu nhi phải tìm kiếm nguồn giải trí thiếu tính giáo dục, thậm chí phản cảm trên các trang YouTube không lành mạnh”.  

Với lĩnh vực sân khấu, ở nhiều nước, trên 60% các sân khấu và vở diễn  chỉ để phục vụ thiếu nhi, thanh thiếu niên. Những suất diễn lưu động đến tận trường học cũng chú trọng nội dung về giáo dục và giải tỏa những thắc mắc của các em về rất nhiều vấn đề xung quanh cuộc sống hàng ngày. 

Thế nhưng, hiện nay TPHCM không hề có sân khấu dành riêng cho thiếu nhi. Đạo diễn Hoàng Duẩn tâm tư: “Việc cần làm chính là nhà nước phải bỏ tiền cho thiếu nhi xem sân khấu, phải có sân khấu thiếu nhi sáng đèn hàng tuần với những tác phẩm dành cho thiếu nhi, vì sân khấu chính là nơi giáo dục và giải tỏa rất nhiều những thắc mắc của các em: Từ những vấn đề bạo lực, giới tính, việc lạm dụng tình dục con trẻ, đạo đức, ứng xử với thầy cô, bạn bè, đến những vấn đề về môi trường, xã hội… Phải có một nhà hát dành cho trẻ em, phải có sự phối hợp thực hiện các chương trình cho trẻ em từ phía các đơn vị quản lý giáo dục, quản lý văn hóa, đoàn - hội và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp”.

Tin cùng chuyên mục