Khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn

Ngày 1-7, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đã phối hợp với HĐND thành phố tổ chức buổi “Đối thoại chính quyền nhân dân thành phố về phân loại rác tại nguồn” (PLRTN).
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của người dân, quận, huyện đều phản ánh rằng, việc triển khai thực hiện PLRTN hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn phức tạp.
Theo phản ánh của người dân, nhiều người dân chưa có thói quen phân loại rác, vẫn còn lúng trong việc nhận diện các loại chất thải, ngoài ra, họ cũng không mặn mà phân loại khi họ phân loại xong các đơn vị thu gom lại dồn hết vào một xe vận chuyển, công sức họ lại thành công cốc.
Trong khi đó, ý kiến của các quận, huyện thì cho rằng, cái khó nhất trong công tác thực hiện PLRTN ở địa phương chính là ý thức của người dân còn hạn chế, mặt khác, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng thu gom còn kém, không đảm bảo vệ sinh môi trường nên đã gây ra những bức xúc cho người dân. 
Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng, thực tế, hiện nay người dân chưa chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt mà còn phụ thuộc nhiều vào công tác tuyên truyền, khi giảm tần suất tuyên truyền thì tỷ lệ người dân thực hiện phân loại sẽ giảm và có sự so sánh giữa các hộ dân tại khu vực thí điểm với khu vực xung quanh chưa thực hiện chương trình.
Đồng thời, hiện nay UBND phường/xã chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập nên việc điều phối lực lượng này để tham gia chương trình gặp nhiều khó khăn, một số đường dây rác dân lập miễn cưỡng tham gia và không thực hiện đúng các hướng dẫn về thời gian thu gom, tần suất thu gom và không tổ chức thu gom riêng biệt chất thải sau khi phân loại.
Bên cạnh đó, thành phố còn thiếu quy định, chính sách riêng để triển khai chương trình (kinh phí, nguồn lực, phương tiện thu gom phù hợp, cách thức lộ trình thực hiện...) và các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện phân loại và thu gom đúng quy định chưa có.
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Đô thị, HĐND TPHCM cho biết, liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và thực hiện PLRTN nói riêng, vừa qua UBND TP đã tổ chức cuộc họp bất thường để tìm hướng giải quyết cho vấn đề này.
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu, từ năm học 2018- 2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp phổ thông trên địa bàn được giáo dục kiến thức kỹ năng bảo vệ môi trường; vận động 100% hộ gia đình và chủ nguồn thải chấp hành việc chi trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và chỉ tiêu PLRTN đúng quy định trên địa bàn thành phố đạt tối thiểu 50% đến năm 2020 và tăng dần vào các năm tiếp theo và đạt tối thiểu 80% vào năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo, đối với quận, huyện đã thực hiện thí điểm PLRTN sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng khắp toàn phường. Các quận, huyện còn lại sẽ phải xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền để đến năm 2018 bắt đầu triển khai PLRTN ít nhất 1 phường/xã trên quận, huyện. 

Tin cùng chuyên mục