Khó khăn phòng chống sạt lở

Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, nhưng trong 2 tuần đầu tháng 6-2020, ĐBSCL đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở làm chia cắt nhiều tuyến đường giao thông, hàng trăm học sinh phải đi đường tắt, đi đò ngang đến trường. Hàng trăm hộ dân phải di dời chỗ ở khỏi nơi sạt lở nguy hiểm. 
Mố cầu Rạch Cam trên đường tỉnh 918, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: MINH TRUNG
Mố cầu Rạch Cam trên đường tỉnh 918, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: MINH TRUNG

Sạt lở không còn theo quy luật

Chỉ vài cơn mưa đầu mùa, cầu Rạch Cam trên tỉnh lộ 918 đoạn qua quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã sạt lở, sụp một bên mố, khiến cho giao thông bị chia cắt, người dân phải đi đò ngang qua lại. Địa phương cho đặt rào chắn, thông báo tạm thời cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu Rạch Cam đến ngày 7-7 để thi công nâng cấp. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, Cần Thơ đã xảy ra 17 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. 

Tại Hậu Giang, 2 tuần qua đã xuất hiện 5 điểm sạt lở bờ sông. Tính từ đầu năm, địa phương đã xảy ra 19 điểm sạt lở làm hàng chục căn nhà bị nhấn chìm hoặc hư hỏng nghiêm trọng. Tại An Giang, tuyến quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, đã liên tục xảy ra sạt lở lớn, khiến 1/3 mặt đường bị sụp xuống sông Hậu, đe dọa đến sự an toàn của hơn 80 hộ dân. Tại Đồng Tháp, vừa xảy ra sạt lở bờ sông Nha Mân làm tê liệt tuyến đường giao thông Nha Mân - Phú Long thuộc huyện Châu Thành.

Ghi nhận ban đầu cho thấy, sông Nha Mân đoạn đi qua địa phận ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành bị sạt lở nặng làm vách sông dài trên 50m, sâu vào đất liền hơn 4m, bị chìm xuống sông hoàn toàn. Còn tại huyện Thanh Bình, có khoảng 15 điểm sạt lở ảnh hưởng đến gần 1.300 hộ dân. Đáng lo ngại là khu vực sông Tiền qua địa bàn xã An Phong có nhiều điểm sạt lở cách quốc lộ 30 chưa đến 15m. Đây là tuyến đường chính nối trung tâm tỉnh Đồng Tháp với các huyện biên giới. Nếu sạt lở tác động đến tuyến quốc lộ này, giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Đồng Tháp đã thi công “khẩn” tuyến tránh qua đoạn sạt lở xã An Phong. Tuyến tránh có chiều dài 4km, mặt đường rộng 9m, nền đường 12m; dự kiến cuối năm 2020 tuyến tránh qua đoạn sạt lở An Phong sẽ hoàn thành.

Sạt lở không còn theo quy luật dòng sông bên lở, bên bồi, không còn phân biệt mùa mưa hay mùa nắng. Trong đợt khô hạn vừa qua, hàng loạt tuyến đường ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang) sạt lở, sụp lún nghiêm trọng. Thiếu hụt nguồn nước, tỉnh Cà Mau tính đến phương án bơm nước mặn vào một số vùng, hy vọng có thể làm giảm mức độ sụp lún đường. 

Không làm đường, cất nhà gần sông

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, các tuyến đê bao, bờ bao được xây dựng không có quy hoạch đã thu hẹp không gian trữ, thoát lũ (đặc biệt là phục vụ lúa vụ 3). Ngoài ra, việc chuyển đổi rừng ngập mặn thành khu nuôi trồng thủy sản; đánh bắt hải sản quá mức ở vùng ven bờ; nước biển dâng, bùn cát giảm dẫn đến chiều cao cột nước tăng, cùng với tác động của gió làm sóng biển ngày càng cao, khiến các vụ sạt lở ven biển gia tăng.  

ĐBSCL là vùng đất thấp chủ yếu được kiến tạo từ phù sa sông Mekong. Trong khi đó, mạng lưới sông lại dày đặc, sạt lở các sông thường lớn hơn so với khu vực khác do những kiến tạo trên. Người dân lại có thói quen cất nhà ven sông nên sạt lở thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và sinh kế của người dân.

PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Phù sa từ dòng Mekong về ĐBSCL ngày càng giảm mạnh. Các hoạt động khai thác cát, mực nước ngầm tràn lan, các công trình xây dựng hai bên bờ sông ngày càng nhiều, số lượng phương tiện giao thông thủy gia tăng và biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy… dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng”. 

Đầu năm 2020, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức cập nhật dữ liệu sạt lở lên bản đồ Webgis về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL (bản đồ Webgis). Theo đó, số liệu thống kê toàn vùng: Có 564 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 834km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 104/203km, chiếm tỷ lệ khoảng 35%; sạt lở nguy hiểm 121 điểm/246,6km. Từ nhiều nguồn kinh phí, các địa phương vùng ĐBSCL đã xử lý được 141 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 215km, tổng kinh phí trên 11.440 tỷ đồng. Các nhà khoa học cho rằng, tuyến công trình bờ sông hiện tại, chỉ điều chỉnh cục bộ, tránh tình trạng lấn sông. Cần đánh giá kỹ hình thái, xu thế diễn biến lòng dẫn, điều kiện thực tế nơi xảy ra sạt lở để chọn lựa kết cấu phù hợp.

Cùng với việc xây dựng công trình cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông rạch, cần thiết nghiêm cấm việc xây dựng nhà ven sông như Cần Thơ đã áp dụng. Các nhà khoa học khuyến cáo, các địa phương khi xây dựng tuyến đường giao thông mới, cần hạn chế gần sông, kênh rạch. Khi quy hoạch các khu dân cư nên tránh xa bờ sông, bờ kênh… Đặc biệt các vùng ven biển, cần có nghiên cứu sâu về ứng phó tác động của sụp lún và ảnh hưởng của hạ thấp lòng dẫn, cũng như các biến động về dòng chảy sông Mekong. Và quan trọng nhất, là phải có giải pháp thật sự căn cơ chứ không đợi đến lở rồi… chạy! 

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Trong 10 năm gần đây, sạt lở diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong vùng.  Dù đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các nhà khoa học và chính quyền địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp, nhưng đến nay, sạt lở, sụp lún đất vẫn là ác mộng với hàng ngàn hộ dân đang sống ven các tuyến sông trong vùng. Câu hỏi đặt ra là sạt lở đến đâu, chạy đến đó, hay cần có một giải pháp chiến lược chủ động né sạt lở?”.

Tin cùng chuyên mục