Khó khăn phát triển vật liệu không nung

Theo Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLKN) tại Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc sản xuất và sử dụng VLKN thay thế một phần gạch đất sét nung sẽ đạt tỷ lệ 35%-40% vào năm 2025; 40%-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây. Đây là mục tiêu không dễ đạt được khi hiện tại VLKN vẫn còn nhiều khó khăn cả ở khâu sản xuất và tiêu thụ.

Sản lượng tiêu thụ giảm

Theo PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLKN ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực. Thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm đa dạng như: gạch bê tông xi măng cốt liệu; gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép, tấm tường bê tông khí chưng áp...

Khó khăn phát triển vật liệu không nung ảnh 1 Gạch không nung được sử dụng tại một công trình xây  dựng
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất VLKN lại đang có dấu hiệu giảm. Hiện cả nước có khoảng 1.600 cơ sở sản xuất VLKN đang hoạt động, tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên/năm; trong khi năm 2019, cả nước đã có khoảng hơn 2.000 cơ sở, với tổng công suất thiết kế khoảng 12,6 tỷ viên. “Số lượng cơ sở sản xuất lại đang có nguy cơ bị thu hẹp tiếp nếu không có cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sản xuất và tiêu thụ VLKN”, PGS-TS Lê Trung Thành băn khoăn.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp sản xuất VLKN, khâu tiêu thụ loại vật liệu này gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn tương đối lớn, các nhà máy chỉ dám chạy dưới 50% công suất. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 49 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế hơn 1 triệu viên/năm, tuy nhiên, sản lượng chỉ đạt từ 25% đến dưới 40% công suất thiết kế. Đặc biệt, sản lượng sản xuất và tiêu thụ loại vật liệu này trong 2 năm trở lại đây đã giảm liên tiếp 5%-6%/năm. Còn theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, 3/5 doanh nghiệp sản xuất VLKN trên địa bàn đã phải dừng sản xuất do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tình hình cũng tương tự ở nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bình Phước, Cao Bằng, Thái Nguyên… 

Có nhiều nguyên nhân khiến VLKN có xu hướng sụt giảm sản lượng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên là đa số người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng VLKN. Sản phẩm này lại không có tính cạnh tranh kinh tế so với các loại vật liệu nung. Mặt khác, chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo do ở nhiều địa phương, các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, các cơ quan quản lý khó kiểm soát. Trên thực tế, có không ít cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và vừa, có trình độ công nghệ chỉ đạt mức trung bình, cho ra sản phẩm chất lượng thấp, dẫn đến tình trạng gạch bê tông chưa đủ ngày tuổi đã đưa vào công trình, gây hiện tượng co ngót, rạn nứt. 

Một khó khăn rất lớn nữa khiến VLKN chưa phát triển được, đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến VLKN vẫn chưa hoàn chỉnh. Đại diện Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá xây dựng của các loại VLKN chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý. Do vậy, kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế xây dựng gặp khó khăn trong việc chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng vật liệu cho công trình. Đó là chưa kể, nhiều loại vật liệu mới chưa được ban hành hướng dẫn thi công và nghiệm thu đồng bộ, gây lúng túng, bất tiện cho các đơn vị thi công.

Cần hoàn thiện quy chuẩn

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì trình Chính phủ ban hành các văn bản thúc đẩy phát triển các loại vật liệu xây dựng mới như: Nghị định 09/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Chỉ thị 08/CT-TTg về đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao…  Đặc biệt gần đây, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, sản xuất ra các loại vật liệu mới theo hướng đẩy mạnh việc tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Các sản phẩm đáng chú ý là gạch sản xuất từ bùn đỏ, tro bay nhiệt điện; bê tông từ phế thải của các nhà máy sản xuất phân bón… Bước đầu, các sản phẩm này cho thấy có hiệu quả kinh tế kỹ thuật và hứa hẹn có thể ứng dụng rộng rãi. 

Ông Phạm Văn Bắc cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến VLKN; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm VLKN theo hướng nâng cao yêu cầu chất lượng. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, xây dựng và ban hành hướng dẫn thi công, nghiệm thu VLKN; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng các sản phẩm VLKN tại các cơ sở sản xuất, các công trình sử dụng VLKN trên cả nước. Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị các địa phương tăng cường kiểm soát tỷ lệ sử dụng VLKN trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền, thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLKN trên địa bàn. Trong năm 2023, Bộ Xây dựng dự kiến tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia tăng cường sử dụng các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. 

Từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển VLKN, các địa phương cần tiếp tục thực thi triệt để chủ trương của Chính phủ về giảm dần sử dụng gạch đất sét nung truyền thống, có các chính sách đánh thuế tài nguyên, thuế môi trường vào loại vật liệu này. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng VLKN. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về vốn để đảm bảo năng lực sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có thể tham gia vào các công trình, dự án xây dựng lớn. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển VLKN tại Việt Nam đến 2030 sẽ là động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh tiêu thụ VLKN trong thời gian tới. Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về tỷ lệ sử dụng VLKN trong các công trình, dự án tại các địa phương theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan quản lý cần có chế tài đủ mạnh đối với việc sử dụng VLKN không đáp ứng về tỷ lệ cũng như chất lượng trong các công trình xây dựng.

Theo Chương trình phát triển VLKN tại Việt Nam, mục tiêu sử dụng VLKN trong các công trình xây dựng giai đoạn đến năm 2025: tại Hà Nội và TPHCM, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công phải có tỷ lệ sử dụng VLKN so với tổng lượng vật liệu xây tối thiểu 90%; tại các tỉnh còn lại, các đô thị từ loại 3 trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%); tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLKN so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.

Tin cùng chuyên mục