Khó khăn bủa vây ngành gỗ ở Đồng Nai

Đồng Nai là địa phương đóng góp tỷ trọng xuất khẩu gỗ đứng thứ hai cả nước, nhưng hiện các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với muôn vàn khó khăn về nguồn nguyên liệu và mặt bằng để mở rộng sản xuất. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 đang làm cho vấn đề thiếu nguyên liệu trở nên trầm trọng hơn.
Nguồn nguyên liệu gỗ nhập về của Công ty CP Tavico Đồng Nai chỉ còn khoảng 70% so với trước
Nguồn nguyên liệu gỗ nhập về của Công ty CP Tavico Đồng Nai chỉ còn khoảng 70% so với trước

Nguyên liệu phụ thuộc ngoại nhập

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có khoảng 200.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, khoảng 40.000ha rừng phòng hộ, 35.000ha rừng sản xuất, gần 40.000ha trồng cao su cùng với diện tích đáng kể cây trồng phân tán. Do Đồng Nai đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng từ năm 1997 nên không còn nguồn nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên. Diện tích rừng trồng chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nguyên liệu mỗi năm, tập trung vào 2 loại là gỗ cao su và rừng tràm, nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của ngành vì chất lượng thấp do khai thác sớm, gỗ còn non.

Nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, nên hầu hết các DN phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thời gian gần đây, một số nước lân cận đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng như: Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar... dẫn đến nguồn cung rất khan hiếm và giá cả đắt đỏ. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ bị giảm sút đáng kể. Lãnh đạo Công ty CP Tavico Đồng Nai cho biết, từ sau tết đến nay, lượng gỗ nguyên liệu nhập về chỉ bằng 27% so với năm ngoái.

Trước thực trạng trên, tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng đề án này nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường. Kỳ vọng của đề án là đưa ngành sản xuất, chế biến lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời gắn với phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.

Hiện Đồng Nai có gần 600 DN chế biến gỗ xuất khẩu, chiếm khoảng 10,2% số DN gỗ của cả nước. Năm 2019, Đồng Nai đã xuất khẩu được 1,65 tỷ USD đồ gỗ, chiếm 14,5% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước. Nhiệm vụ của ngành gỗ Đồng Nai là đảm bảo giá trị xuất khẩu hàng năm tăng 10%, phấn đấu năm 2025 đạt khoảng 2,6 tỷ USD.

Thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay của ngành gỗ là các DN không sản xuất hoàn thiện một sản phẩm nhất định. Thay vào đó, mỗi DN thường sản xuất một số chi tiết của sản phẩm và DN cuối cùng của chuỗi sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp, tiêu thụ. Do đó, việc có các cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ giúp cho các DN “vệ tinh” hoạt động sát nhau, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Quý, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (phường Long Bình, TP Biên Hòa), mặt bằng sản xuất là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các DN chế biến gỗ. Các DN hoạt động trên lĩnh vực này chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hoạt động sản xuất trong khu dân cư nên mặt bằng hẹp, khó khăn cho hoạt động sản xuất.

Để xử lý tình trạng trên, mới đây Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) cho biết, đã lên kế hoạch đề xuất Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai cho phép nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng một khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành dành riêng cho ngành gỗ với diện tích 350ha trở lên, nhằm cung cấp mặt bằng để các DN mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, với phương châm “kéo thế giới gỗ về Đồng Nai”, Dowa cũng mong muốn xây dựng một khu vực triển lãm, phân phối gỗ lớn cho cả nước và các nước trong khu vực nhằm khẳng định vị thế của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, để thực hiện ý tưởng thành lập KCN dành riêng cho ngành gỗ không dễ bởi hiện nay quỹ đất tại các khu vực trung tâm không còn nhiều. Do đó, trong thời gian tới, Dowa cần phối hợp với các sở, ngành địa phương khảo sát xây dựng phương án khả dĩ nhất.

Tin cùng chuyên mục