Khó cho lao động nữ khi tăng tuổi nghỉ hưu

Hôm nay 29-5, Chính phủ trình Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đáng chú ý nhất của dự luật này là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. PV Báo SGGP đã trao đổi với ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, xung quanh vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Bà đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu?

* ĐB TRẦN THỊ DIỆU THÚY:  Tôi không đồng ý đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Những giải trình của Bộ LĐTB-XH (cơ quan soạn thảo) rằng tăng tuổi nghỉ hưu để chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số, chuẩn bị lực lượng lao động, yêu cầu cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH)… là chưa thuyết phục.

Hiện lực lượng lao động của Việt Nam, như ở TPHCM thì nhóm lao động kỹ thuật thấp với hầu hết là công nhân trực tiếp tham gia giai đoạn gia công các sản phẩm, bán thành phẩm, lao động chân tay rất nhiều, chiếm tỷ lệ 70%. Đó là chưa tính các lực lượng lao động khác hiện chưa tham gia BHXH và không nằm trong tác động của luật. Người lao động (NLĐ) sẵn sàng nghỉ để bảo đảm sức khỏe chứ không thể đeo đuổi đến tận 60 tuổi để nghỉ hưu theo luật được.

Những tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà tỷ lệ thương tật của NLĐ khá cao, như bệnh xương sống, phổi..., là những vấn đề chúng ta phải suy nghĩ.  Đó là chưa kể các doanh nghiệp thường có xu hướng sa thải NLĐ tầm 40-45 tuổi để chọn lao động trẻ hơn thay thế. Nếu bây giờ tăng tuổi nghỉ hưu lên thì lực lượng lao động, nhất là lao động nữ, sẽ không thể nào giữ được việc.

* Nhiều ý kiến cho rằng vẫn có thể tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng có thể chia thành các nhóm lao động thì vẫn bảo đảm các lợi ích?

Nếu Quốc hội biểu quyết tăng tuổi nghỉ hưu thì phải chia nhóm ra. Vậy thì BHXH có chia nhóm ra để thanh toán lương hưu cho NLĐ không, hay vẫn gộp 2 nhóm lao động nghỉ hưu khác nhau vào cùng một đối tượng nhận hưu trí. Ví dụ, quy định NLĐ đóng BHXH 20 năm thì được nhận lương hưu, vậy thì nhóm nghỉ hưu lúc 55 tuổi và 60 tuổi có được tách thời hạn đóng BHXH không?

Tôi cho rằng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì sức khỏe, khả năng bảo đảm công việc, nhất là lao động nữ không thể đáp ứng, vì thế họ sẽ phải nghỉ việc, mà không nghỉ thì chủ sử dụng họ cũng sa thải. Hiện nay, nhóm người còn đủ sức khỏe để hưởng thụ khoảng thời gian hưu trí rất ít. Hầu hết NLĐ có những bệnh nghề nghiệp và không thực sự được nghỉ ngơi sau thời gian đóng góp cho xã hội. Bộ LĐTB-XH cần đánh giá về sức khỏe của NLĐ từ khi nghỉ hưu tới khi bệnh nặng. Có nhiều người 70- 80 tuổi đã phải nằm một chỗ do di chứng bệnh nghề nghiệp.

ĐB NGỌ DUY HIỂU, PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM:
Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, có 3 vấn đề cần phải quan tâm để có sự tính toán hợp lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi NLĐ. Thứ nhất, đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc. Những người suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không nên áp dụng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu.
Những ngành rất đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm nghệ thuật, thể thao cũng là lĩnh vực cần lưu ý. Thứ hai, mức tuổi nghỉ hưu tăng thêm hoặc cho về hưu trước không chỉ dừng lại ở 5 năm, có thể là 5-7 năm, bởi có những người, những ngành đến 50 tuổi là họ không thể làm việc được nữa. Thứ ba, cần thiết kế lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để NLĐ không bị hiểu nhầm. Cùng với trình dự thảo luật này, Chính phủ cần trình kèm nghị định  nêu rõ danh mục ngành nghề được nghỉ hưu sớm hơn.
ĐB PHẠM VĂN HÒA, ỦY VIÊN ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI:
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp, tránh gây sốc, tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Dư luận cho rằng cán bộ công chức, viên chức, những người có chức có quyền muốn tăng tuổi nghỉ hưu; trong khi NLĐ trực tiếp, sử dụng chân tay, cơ bắp lại thấy nếu kéo dài thời gian làm việc thì không đảm bảo được sức khỏe cũng như hiệu quả công việc.
Đây là ý kiến cần cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo luật có tính khả thi và nhận được sự ủng hộ của các đối tượng lao động. Trước khi tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ cần có đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động, phân rõ các nhóm lao động. 

Tin cùng chuyên mục