Khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng kỷ lục

Theo báo cáo mới của Hiệp hội Khí tượng Mỹ công bố hôm 12-8, khí nhà kính thải vào khí quyển Trái đất đạt mức kỷ lục vào năm 2018 và tình trạng nóng lên toàn cầu do khí này gây ra hiện mạnh hơn 43% so với năm 1990.
Băng tan ngày càng nhanh do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao
Băng tan ngày càng nhanh do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao

 Nghiên cứu về tình trạng khí hậu năm 2018 cũng báo cáo những phát hiện quan trọng khác. Cụ thể, năm 2018 là năm có nhiệt độ cao trung bình đứng thứ tư, từ khi nhiệt độ được ghi nhận vào giữa những năm 1800. Ba năm ấm nhất khác là 2015, 2016 và 2017, trong đó năm 2016 là năm có nhiệt độ cao nhất. 

Đặc biệt, mực nước biển đã tăng lên mức kỷ lục trong năm thứ bảy liên tiếp. Sông băng tiếp tục tan chảy với tốc độ nhanh trong năm thứ 30 liên tiếp. Theo báo cáo này, mỗi năm kể từ khi bắt đầu thế kỷ 21 đã ấm hơn so với mức trung bình giai đoạn 1981-2010. Báo cáo cho thấy ảnh hưởng nóng lên của khí nhà kính trên hành tinh trong đó nồng độ carbon dioxide (CO2) toàn cầu trong năm 2018 lên mức kỷ lục là 407,4 phần triệu.

Báo cáo dựa trên sự đóng góp của hơn 475 nhà khoa học từ 57 quốc gia, được xem là chỉ dẫn hàng năm về hệ thống khí hậu toàn cầu. Báo cáo bổ sung vào danh sách ngày càng tăng các nghiên cứu về tác động đáng báo động của sự nóng lên toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Liên hiệp quốc cho thấy thực phẩm sẽ trở nên khan hiếm hơn và cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ thay đổi loại cây trồng nào nông dân có thể trồng. Một báo cáo lớn khác của chính phủ Mỹ công bố năm ngoái đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, nói rằng nền kinh tế Mỹ có thể mất hàng trăm tỷ USD, trong trường hợp xấu nhất, lên tới hơn 10% GDP của nước này. Nghiên cứu cho biết một số đợt nắng nóng kéo dài và ngày càng phổ biến ở Bắc Mỹ, châu Âu, Australia và Đông Á, cùng với một số thời điểm lạnh bất thường.

Tin cùng chuyên mục