Khi nhà nông lên mạng bán hàng

Chỉ 10 phút sau khi đăng bài chào hàng trên trang mạng xã hội, chị Ngọc Thúy, một hộ nông dân ở tỉnh Lâm Đồng, đã bán hết hàng hơn 10kg rau củ quả, thịt heo, thịt gà - đều là các sản phẩm nhà nuôi trồng được. Chị Ngọc Thúy cho biết, từ khi bán hàng trên mạng thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu đồng và không còn lo bị thương lái ép giá.
Chị Ngọc Thúy đang gói sản phẩm để chuyển đến khách hàng đặt mua qua mạng
Chị Ngọc Thúy đang gói sản phẩm để chuyển đến khách hàng đặt mua qua mạng

Thương mại điện tử được ưa chuộng

Trước khi bén duyên với nghề bán nông sản trên mạng, chị Ngọc Thúy làm công nhân trong một khu công nghiệp tại TPHCM. Do dịch Covid-19, công ty không có đơn hàng, bị nghỉ việc, chị về quê phụ ba mẹ sản xuất nông nghiệp. Thấy thương lái hay ép giá nhà nông, chị nảy ra sáng kiến lên mạng bán hàng và hợp đồng với các đơn vị vận chuyển, giao hàng tận nhà cho khách. Rau củ quả Đà Lạt có quanh năm nên hết hàng nhà trồng, chị bao tiêu luôn nông sản của bà con hàng xóm. “Để khách hàng trên mạng tin tưởng, tôi phải livestream (phát trực tiếp) trên trang cá nhân, từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói… nhờ vậy khách yên tâm đặt hàng”, chị Ngọc Thúy chia sẻ.

Trước dịch Covid-19, trại gà của chị Nguyễn Diệu Linh (quê Bình Thuận) có doanh thu rất ổn định, nhờ bán hàng cho các đối tác. Thời gian giãn cách xã hội, giá gà giảm mạnh, gà đến tuổi xuất chuồng không có đầu ra. Cái khó ló cái khôn, chị Diệu Linh đã thử chào hàng trên trang Facebook cá nhân. Những ngày đầu, nhờ có bạn bè ủng hộ, chia sẻ, nhờ vậy cộng đồng mạng biết nhiều hơn.

“Nhờ chất lượng gà ngon, giá mềm hơn ngoài thị trường nên ngày càng có nhiều đơn hàng từ khách lẻ, rồi quán ăn, nhà hàng. Sau này, tôi tập trung phát triển kinh doanh online để có thêm đầu ra cho trại”, chị Diệu Linh phấn khởi. Tương tự, chị Phan Như Thủy sau khi thất nghiệp, đã thu dọn hành lý về quê chồng ở Bình Thuận. Nhưng cũng nhờ vậy mà chị “bén duyên” với nghề kinh doanh hải sản tươi sống. Chị Như Thủy kể: “Gia đình chồng có chiếc tàu đánh bắt gần bờ, thấy thương lái thu mua thấp quá, tôi thử đưa lên mạng bán trực tiếp cho người dùng. Không ngờ lượng khách trên mạng khá nhiều, từ khách lẻ đến quán nhậu, cửa hàng thực phẩm. Hiện tôi thu nhập 1 tháng hơn 15 triệu đồng, so với mức sống ở quê tương đối ổn và không bị áp lực, tôi không muốn quay lại TPHCM để tìm việc nữa”.

Trong mùa dịch, không chỉ có nông dân, nhiều doanh nghiệp cũng xoay xở đưa sản phẩm lên trang mạng xã hội. Điển hình, Công ty Vĩnh Thành Đạt vừa phải đầu tư thêm dây chuyền sản xuất chế biến trứng, do sản phẩm tăng gấp nhiều lần khi bán qua mạng. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, kinh doanh tiêu, điều, cà phê, cho hay, tỷ lệ bán hàng qua mạng tăng gấp 3 lần so với những tháng chưa xảy ra dịch

Cần quan tâm an toàn thực phẩm 

Từ khi mua nông sản trên trang Facebook của chị Ngọc Thúy, anh Nguyễn Mạnh Tùng bày tỏ, không còn phải suy nghĩ đến ngày mai phải ăn thế nào, món gì. Bởi, vườn nhà chị Ngọc Thúy trồng nhiều loại từ rau ăn lá đến củ quả, trái cây, gà, heo, cá đồng. Khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhà thu hoạch sản phẩm gì sẽ được chị Ngọc Thúy đăng lên. Nếu tôi mua thì khoảng 7 giờ sáng hôm sau, hàng sẽ có người giao đến tận nhà. Nhờ mua trực tiếp nhà vườn nên hàng tươi ngon hơn ở chợ, không sợ thuốc bảo quản. Từ khi có dịch, gia đình anh Tùng ít đi chợ, siêu thị và hạn chế đến chỗ đông người. 

Hiện nay có khá nhiều nông dân tự rao bán sản phẩm nhà trồng trên mạng. Các kênh giao hàng từ đó cũng phát triển rầm rộ, nhiều nhà xe trước đây chỉ nhận giao nhận hàng tại bến, giờ thêm dịch vụ giao hàng tận nhà. Thương mại điện tử là kênh kết nối trực tiếp giữa nhà nông và người tiêu dùng. Giá sản phẩm rẻ hơn do không qua trung gian là một ưu điểm của loại hình này. Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn về an toàn thực phẩm, bảo quản trong quá trình vận chuyển, hoặc nông dân sản xuất quy mô nhỏ thường chưa áp dụng quy chuẩn sản xuất an toàn. 

Có thể thấy, sản phẩm nông nghiệp bán trên mạng chỉ phù hợp với hàng hóa có thời gian bảo quản lâu, dễ vận chuyển như củ quả, trái cây. Còn những sản phẩm tươi sống như thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản khi vận chuyển phải có xe đông lạnh để bảo quản đúng cách. Thậm chí, sản phẩm tươi sống phải giết mổ theo quy trình đảm bảo an toàn. Nhưng những sản phẩm của nông dân thường được giết mổ tại nhà, đồ tươi sống chỉ bỏ vào thùng xốp, ướp đá mang ra xe khách vận chuyển.

Để đạt doanh số bán trên mạng tăng gấp 3 lần trong thời điểm dịch bùng phát, Công ty Phúc Sinh chia sẻ, công ty đa dạng hóa chiến lược như tuyển thêm nhân sự để làm truyền thông trên mạng, đóng gói, vận chuyển… để kịp thời đón đầu thương mại điện tử. Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, bày tỏ, số hóa nền nông nghiệp góp phần chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam, cũng là tránh tụt hậu. Có thể thấy, sản phẩm nông nghiệp bán trực tiếp cho người tiêu dùng, không qua trung gian là lợi thế. Khi đó, nông dân vừa trực tiếp sản xuất, vừa là người bán hàng mà không phải đội chi phí logistics.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, để kinh doanh trên nền tảng số, nông dân phải giỏi từ kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng và điều quan trọng là chữ tín. Hiện nay mua bán qua mạng chủ yếu dựa vào lòng tin. Các chuyên gia khuyến nghị, các nhà vườn, nhà nông có thể kết nối với các trang thương mại điện tử - đóng vai trò trung gian, kiểm tra giấy tờ sản xuất, giấy chứng nhận và đảm bảo đầu ra ổn định. Người nông dân phải đảm bảo nguồn cung ổn định, thay vì phần lớn các sản phẩm chỉ sản xuất theo mùa, số lượng ít như hiện nay. 

Tin cùng chuyên mục