Khi người trẻ biết sẻ chia

“Bệnh viện có thiếu khẩu trang đâu mà lại đi quyên góp?”, “Ở xa vậy lo an toàn sức khỏe bản thân trước dịch bệnh đi, chớ hơi đâu kêu gọi thiện nguyện”… 
BS CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trao thư cảm ơn đến đại diện nhóm Đom Đóm
BS CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trao thư cảm ơn đến đại diện nhóm Đom Đóm

Chiến dịch quyên góp khẩu trang tặng các y bác sĩ của nhóm Đom Đóm gồm các bạn trẻ đang du học, làm việc tại một số nước như Phạm Hoàng Sơn, Lê Thị Giáng Tiên (Australia), Nguyễn Thị Cẩm Duyên (Nhật Bản), Huỳnh Ngọc Tuyết Anh (Malaysia) và Lê Quang Vinh (TPHCM) khi vừa mới bắt đầu đã nhận về một vài “góp ý nhỏ”. 

Thế nhưng, vượt qua một số trở ngại, từ lời “góp ý” đến khoảng cách địa lý với quê hương xa xôi, chỉ sau 1 tuần, các bạn trẻ kêu gọi được số tiền gần 50 triệu đồng để quyên góp thành 32.500 chiếc khẩu trang y tế kháng khuẩn loại tốt chuẩn A, trao tặng đến các y bác sĩ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. 

Bạn Phạm Hoàng Sơn, đang học thạc sĩ Khoa học Y sinh Đại học Công nghệ Queensland (Australia), cho biết từ lúc nghe thông tin tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại ở Việt Nam, nhóm đã có kế hoạch hỗ trợ các y bác sĩ bằng cách làm thiết thực. Sơn cho rằng, chính các y bác sĩ đang công tác ở các bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19 là những người hơn ai hết đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, rất cần những chiếc khẩu trang kháng khuẩn loại tốt nhất và sự hỗ trợ đến họ chưa bao giờ là thừa cả. Do đó, dù ở nhiều nước khác nhau, nhóm bạn vẫn cố gắng sắp xếp công việc, kết nối nhiều người cùng chung tay. Vừa tích cực kêu gọi mọi người đóng góp, các bạn vừa liên hệ tìm nguồn khẩu trang y tế kháng khuẩn chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. 

Sơn kể, những ngày qua đã nhận được sự hưởng ứng lớn hơn dự kiến, cứ sau mỗi ngày thì bạn bè, người xung quanh biết đến, đóng góp nhiều hơn và không quên dặn: “Nếu thấy còn thiếu thì nhớ nói nha”.

“Khi đứng ra kêu gọi hỗ trợ, tụi em cảm nhận rất rõ sự đồng cảm từ nhiều người, cả trong và ngoài nước. Nếu mỗi người cùng chung tay, góp một ít thì không chỉ giúp hạn chế việc lây lan dịch bệnh mà các bác sĩ cũng sẽ cảm nhận được phía sau có rất nhiều người hỗ trợ, sẻ chia. Trong tương lai, nếu có thể, nhóm vẫn tiếp tục hoạt động này”, Hoàng Sơn chia sẻ. 

Từ Australia, qua tin nhắn Facebook, bạn Giáng Tiên bày tỏ: “Em cảm thấy thật sự xúc động khi chính bản thân dù ở rất xa quê hương vẫn có thể làm được một điều tốt, có ý nghĩa cho xã hội”.

Bạn Cẩm Duyên từ Nhật Bản, nói: “Dù sự đóng góp lần này của tụi em không phải quá lớn lao, nhưng tất cả đều muốn hỗ trợ phần nào đến các bác sĩ, đến bệnh nhân”.

Còn Tuyết Anh, từ Malaysia, trải lòng: “Cuộc sống của những người trẻ như tụi em trôi qua rất vội. Thế nhưng, trong đợt phòng chống dịch Covid-19 này, có nhiều điều khiến em biết trân trọng cuộc sống hơn. Tụi em muốn đóng góp một phần tuy nhỏ nhưng thiết thực để hỗ trợ các bác sĩ và những bệnh nhân đang điều trị có thêm sức mạnh chiến đấu, đồng thời lan tỏa những cảm xúc tích cực đến mọi người”. 

Trong buổi nhận khẩu trang từ đại diện nhóm bạn trẻ, BS CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, chia sẻ rằng ông cảm thấy xúc động trước tình cảm của các bạn trẻ Việt đang du học, làm việc từ các nước.

“Mỗi sự hỗ trợ của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ dành cho bệnh viện, chúng tôi rất trân trọng. Biết chung sức, tích cực tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 đó là sự thể hiện lòng sẻ chia và trách nhiệm của người trẻ”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM nói.

Tin cùng chuyên mục