Khi lì xì không còn là… lì xì

Mùng 1 tết, đến chúc tết nhà người bạn, tôi không quên cầm theo vài phong bao lì xì, để 2-3 tờ 20.000 đồng, mừng tuổi con bạn. 
Khi lì xì không còn là… lì xì
Đến nơi, hai cháu nhỏ ra chào, chúc tết rôm rả, tôi rút phong bao đỏ lì xì hai cháu. Chừng một lát, chợt nghe tiếng hai đứa trẻ xì xầm ngay sau bộ salon. Đứa lớn bảo: “Sao ít quá, hôm qua chú Nam tới chơi, đến 2 tờ màu đỏ”. Đứa nhỏ giật lấy phong bì đỏ của anh, rồi phụng phịu: “Của em cũng giống anh, có 3 tờ màu xanh à”. Tôi thoáng giật mình, hình như lì xì không còn là lì xì nữa rồi!   

Tục lì xì cùng nhiều thứ khác như bánh chưng xanh, chén rượu... vốn là những điều luôn tồn tại trong ngày tết cổ truyền Việt Nam. Theo quan điểm cũ, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn được trao cho người trong năm mới. Thời chúng tôi còn nhỏ, đứa trẻ nào được nhận lì xì là vui như hội, dù trong đó chỉ có vài bạc lẻ. Hồi đó, cả đám còn ngại ngùng, chẳng dám chủ động ra chúc tết người lớn để nhận lì xì, mà chỉ đến khi người nhà gọi mới dám ra. Tiền lì xì thì có chút xíu thôi, phần lớn là đám trẻ được giữ để ăn quà vặt hay mua đồ dùng học tập ra tết. Nhưng cũng có những gia đình kiểu cũ, không cho phép con cái được giữ và sử dụng tiền, cha mẹ sẽ giữ để mua cho con cái cuốn tập, cây viết khi cần. Nhưng đó là ở thời mà tiền lì xì ít ỏi lắm, chỉ mang tính chất tượng trưng, vui là chính.

Còn nay, chuyện lì xì đã vươn lên một tầm cao mới. Thôi thì không nói đến chuyện tiền lì xì hay tiền “lại quả” mà ở nhiều nơi, nhiều thời điểm không hề mang ý nghĩa của tục lệ ngày tết. Ở đây, chỉ nói đến chuyện lì xì và những câu chuyện biến tướng cười ra nước mắt. Cô chị của đồng nghiệp tôi là một minh chứng. Làm cơ quan nhà nước, tích cóp cả năm cho cái tết nhưng chị lại chẳng tiêu tốn bao nhiêu vào việc sắm sửa cho chồng con có cái tết đủ đầy. Chị đổi hẳn 20 triệu đồng tiền mới, toàn mệnh giá 500.000 đồng. Nghe kể, chị để sẵn vào từng phong bao đỏ, ghi tên lên nắp bao để khỏi lộn. Nào là “con trai út sếp A”, “con trai thứ sếp B”, con gái “sếp tổng”…, mỗi phong bao bên trong nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào chức vụ cha mẹ của đứa trẻ. Hết tết, gặp chị, vẫn thấy chị tần ngần: “Đấy, còn quên cô con gái mới sinh được tròn tháng của bà kế toán trưởng. Thế có chết không!”. Chuyện tự tạo áp lực của bà chị trên không thiếu trong xã hội hiện đại, khi quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Bởi vậy, đến tết đâu phải chỉ “cày” cho nồi bánh tét, bánh chưng, nồi thịt kho trứng, mà còn cày cho phong bao lì xì, cho tương lai xa xăm của chính bản thân.

Câu chuyện của hai đứa trẻ con người bạn tôi thực ra cũng không phải lỗi của chúng, mà của chính những người lớn đang gieo vào đầu con trẻ về sự nặng - nhẹ của phong bao lì xì. Phải chăng trong chính cách nói chuyện hàng ngày, bậc làm cha làm mẹ đã vô tình khiến con trẻ hiểu sai lệch về câu chuyện lì xì cầu bình an, may mắn tồn tại trong dân gian. Chỉ cần những câu chuyện như: “Ồ, mình lì xì con nó 200.000 đồng mà nó mừng tuổi con mình có 50.000 đồng, thật là keo kiệt” hay “Lì xì mấy chục ngàn giờ mua được gì, chí ít cũng vài trăm mới mua được món đồ chơi”… lọt vào đầu trẻ, câu chuyện ý nghĩa của việc lì xì đã bay biến từ hồi nào. 
 
Phong bao lì xì không có tội, những đứa trẻ cũng như vậy, hãy để phong bao lì xì còn vẹn nguyên giá trị, chắc hẳn phải là chuyện của người lớn… 

Tin cùng chuyên mục