Khi học sinh khối 6 được nói lên mơ ước và khẳng định sự khác biệt của mình

"Con muốn chơi đá bóng ở sân trường, con muốn học vui nhưng không ở lại lớp, con muốn ba mẹ hiểu con hơn"… Đó là những dòng tâm sự các bạn học sinh khối 6, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã gửi đến ba mẹ trong ngày hội “Cùng con vững bước vào trường mới” diễn ra sáng nay, 28-8.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, nhằm giúp phụ huynh và học sinh làm quen môi trường học tập mới với nhiều khác biệt khi chuyển từ bậc tiểu học lên THCS, qua đó giúp ba mẹ và con cái có cơ hội hiểu nhau hơn, nhà trường đã tổ chức buổi sinh hoạt với nhiều hoạt động ý nghĩa như lắng nghe tâm sự của con, ba mẹ và con cùng làm nến gây quỹ khuyến học…

Học sinh khối 6, Trường THPT Lương Thế Vinh viết ra những mong muốn của mình gửi đến thầy cô và ba mẹ

Chị Lâm Như Nguyện, phụ huynh em Nguyễn Lâm Khôi Vĩ, học sinh lớp 6A7 cho biết, để trở thành người bạn lớn của con, hai vợ chồng chị luôn tâm niệm không can thiệp sâu mà chỉ đứng từ xa quan sát các mối quan hệ bạn bè của con, thậm chí làm quen với bạn của con để hiểu được tâm tư của các bạn nhỏ.

Thông qua hoạt động làm nến handmade, ba mẹ và con cái có cơ hội hiểu nhau hơn

Khi được giáo viên yêu cầu viết lên mong muốn của mình khi học tập ở ngôi trường mới, rất nhiều ước mơ đậm tính học trò đã được các học sinh viết ra như: được điểm 10 môn Ngữ văn, đá bóng ở sân trường mà không bị thầy cô giám thị la, mong có thêm nhiều bạn mới, trở thành phi hành gia, đi du lịch tất cả tỉnh thành trên cả nước..

Cũng với câu hỏi về ước mơ, nhiều phụ huynh đã viết lên mong muốn của mình như: mong thầy cô tâm lý hơn, thấu hiểu con vì con tiếp xúc môi trường học tập mới, đang ở độ tuổi dậy thì với nhiều thay đổi tâm sinh lý nên cần sự thông cảm, đôi khi là kiên nhẫn của các thầy cô.

Chia sẻ với con về những khám phá mới trong thế giới tự nhiên rộng lớn xung quanh

Nhiều ba mẹ lại mong con luôn ngoan ngoãn, nghe lời ba mẹ, có thành tích học tập giỏi.

Cô Nguyễn Hồng Thanh Hương, giáo viên chủ nhiệm khối 6, Trường THPT Lương Thế Vinh đúc kết, khi so sánh mong muốn của ba mẹ và con cái có thể nhận ra nhiều điểm khác nhau về suy nghĩ. Vậy làm sao rút ngắn khoảng cách đó?

Khi học sinh khối 6 được nói lên mơ ước và khẳng định sự khác biệt của mình ảnh 4 Ba mẹ cùng lắng nghe để thấu hiểu con

Trong khi hầu hết các con chỉ mong học tập vui, được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm ở trường, có thêm nhiều bạn mới thì nhiều ba mẹ lại gắn mong ước của mình cho con như chăm chỉ, ngoan ngoãn, biết nghe lời.

Trịnh Vĩnh Thắng, học sinh lớp 6A9 tự tin nói về điểm khác biệt của thế hệ gen Z - cụm từ thường được dùng để nói học sinh có năm sinh sau năm 1995 đến năm 2012. 

“Tụi con được sinh ra trong điều kiện vật chất đầy đủ, học trong môi trường học tập tiên tiến, tiếp xúc nhiều công nghệ hiện đại. Thế hệ tụi con là thế hệ luôn thích tạo “trend” (xu hướng trên mạng) và bắt trend, ba mẹ và thầy cô cần quan tâm để hiểu tụi con”, Vĩnh Thắng bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng chỉ ra rằng, thời đại học tập ngày nay là thời đại học sinh có suy nghĩ rất thực tế, làm việc gì cũng phải vui. Các con có thể làm nhiều thứ cùng lúc, yêu thích sự riêng tư và muốn được thầy cô, ba mẹ thừa nhận cái tôi khác biệt.

Để việc giáo dục con đạt hiệu quả, cô Bùi Minh Tâm chia sẻ, 5 nguyên tắc vàng khi ba mẹ đồng hành cùng con là: Không khen sản phẩm mà chỉ khen quá trình; Không so sánh con mình với con “nhà người ta”; Chia sẻ cảm xúc với con; Khen con từ những điều nhỏ nhất; Nhìn nhận sự tiến bộ mỗi ngày của con.

Sau khi tham gia các hoạt động, nhiều phụ huynh nhận ra rằng, mỗi đứa trẻ đều tiềm tàng khả năng riêng. Ba mẹ và thầy cô cần đóng vai trò là gợi mở, giúp con phát huy hết khả năng của mình trên tinh thần động viên, khuyến khích chứ không nên áp đặt mục tiêu bắt con sống thay cuộc đời của ba mẹ. 

Tin cùng chuyên mục