Khi chính quyền “quên” thu hồi đất dự án

Mỏ nước khoáng nóng hàng chục hécta quý hiếm tại tỉnh Khánh Hòa bị “rút ruột” trong hàng chục năm, không chỉ gây thất thoát ngân sách mà làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác. Vụ việc khiến người dân và các đại biểu dân cử bức xúc lên tiếng nhiều lần nhưng chính quyền chưa xử lý xong.
KDL Trường Xuân nay chỉ là nơi mổ gà ăn nhậu của một số người dân địa phương
KDL Trường Xuân nay chỉ là nơi mổ gà ăn nhậu của một số người dân địa phương

Dự án Khu du lịch suối khoáng nóng Trường Xuân (KDL Trường Xuân) nằm ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khá nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Do KDL này có vị trí đắc địa, nằm trải dài trên tuyến QL26 nối 2 trung tâm kinh tế lớn của Nam Trung bộ và Tây Nguyên là Khánh Hòa - Đắk Lắk.

Không chỉ vậy, nó còn nằm cận ngay khu sinh thái rừng căm xe quý hiếm rộng hơn 600ha của tỉnh Khánh Hòa. Cách đây hơn 20 năm tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần 49ha cho Công ty TNHH Nước khoáng nóng Trường Xuân để thực hiện KLD Trường Xuân.

Thế nhưng, sau đó nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng cam kết như giấy phép đã cấp. Tháng 5-2001, Bộ KH-ĐT có quyết định giải thể trước thời hạn Công ty TNHH Nước khoáng nóng Trường Xuân. Sau khi bị giải thể, nhà đầu tư không làm các thủ tục để trả lại đất và UBND tỉnh Khánh Hòa cũng “quên” thu hồi đất dự án, nên doanh nghiệp cứ thế khai thác mỏ khoáng này. 

Đến tháng 10-2009, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH TM-DV-SX và chế biến thực phẩm Thành Công (Công ty Thành Công, trụ sở TPHCM). Theo đó, dự án có tổng diện tích 48,18ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 33 tỷ đồng, thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng 12 tháng.

Cứ tưởng dự án sẽ hồi sinh và triển khai bài bản hơn, nhưng sau hơn 10 năm được cấp giấy, Công ty Thành Công vẫn chưa hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, khoáng sản, giấy phép xây dựng.

Hiện cơ sở hạ tầng tại đây chưa có gì xứng tầm với một khu vực có mạch nước khoáng nóng thuộc dạng hiếm hoi. Chỉ có vài chòi tre để du khách dừng chân nghỉ ngơi, xây tạm một số bể chứa nước khoáng từ mạch khoáng nóng phun ra từ đá núi.

Đến nay, chủ đầu tư dự án chưa được cơ quan nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản (nước khoáng nóng) nhưng chủ doanh nghiệp đã bán vé cho du khách (25.000 đồng/lượt/người) để thu lợi. Dư luận cho rằng, chủ mới của dự án này vẫn tiếp nối câu chuyện “sống ké” trên tài nguyên quốc gia như doanh nghiệp trước đây. 

Trước bất thường của dự án này, tháng 9-2019, HĐND tỉnh Khánh Hòa có đợt kiểm tra tiến độ dự án Trường Xuân. Sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa mới có quyết định thu hồi gần 49ha đất và suối khoáng nóng đã giao cho Công ty TNHH Nước khoáng nóng Trường Xuân trước đây.

Như vậy, sau 19 năm kể từ ngày công ty này “khai tử” và dự án đã cấp cho pháp nhân mới, UBND tỉnh Khánh Hòa mới ra quyết định chấm dứt việc sử dụng đất dự án này. Lý giải vì sao dự án khoáng nóng Trường Xuân “lọt sổ” thu hồi đất trong nhiều năm, Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho biết do khi ban hành quyết định giải thể Công ty TNHH Nước khoáng nóng Trường Xuân, Bộ KH-ĐT không thông báo và gửi quyết định cho tỉnh theo quy định nên không biết. 

Trước việc dự án dang dở, kéo dài hơn một thập kỷ, ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng dự án KDL Trường Xuân không có gì để thu hồi bởi dự án chưa giao đất, chưa cho thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 mất hiệu lực nhưng không thể hiểu vì sao nó tồn tại lâu được như vậy. “Bây giờ phải xử lý xây dựng trái phép, xử lý kinh doanh trái phép và chấm dứt dự án mới đúng”, ông Thân nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục