Khi các nhà mạng nhỏ “hết cửa”

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), hiện cả nước có gần 124 triệu thuê bao di động, với lượng thuê bao trả sau xấp xỉ 10%. Trong đó, số thuê bao di động đang hoạt động chỉ sử dụng thoại, tin nhắn khoảng 45 triệu; thuê bao đang hoạt động có sử dụng dữ liệu khoảng 79 triệu. 

Dù có đến 5 nhà mạng cung cấp dịch vụ, nhưng lượng thuê bao chủ yếu do 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone nắm giữ hơn 90% thị phần. Còn lại 2 mạng Gtel Mobile và Vietnamobile hiện chưa được 10% thị phần và liên tiếp suy giảm lượng thuê bao. 

Nhiều năm qua, thị trường viễn thông di động Việt Nam được xem đã bước vào giai đoạn bão hòa, chủ yếu tập trung vào chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng và dịch vụ nội dung số để lôi kéo khách hàng và tăng trưởng doanh thu. Nếu như Viettel, VinaPhone và MobiFone làm tốt được những vấn đề này, thậm chí đã tiếp tục mở rộng việc thử nghiệm dịch vụ 5G, thì Gtel Mobile và Vietnamobile ngược lại.

Nếu Gtel Mobile gần như “đóng băng”, Vietnamobile dù đã triển khai khá nhiều gói cước 4G với chiến dịch bán SIM 4G khá đa dạng, giá rẻ trên thị trường, tuy nhiên do vùng phủ sóng hạn chế, sức hút của nhà mạng này cũng không đáng kể. 

Theo Cục Viễn thông, sau hơn 3 năm triển khai, đến hết tháng 3-2022, đã có hơn 2,7 triệu thuê bao chuyển mạng thành công, chiếm khoảng 2,5% tổng số thuê bao di động. Trong đó, đa phần thuê bao có xu hướng chuyển sang mạng di động có vùng phủ rộng và chất lượng dịch vụ ổn định, phong phú. Điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh cần thiết giữa các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường di động đang bão hòa, hướng tới mục tiêu giữ chân và kéo thuê bao về mạng của mình.

Trong sự cạnh tranh đó, đối tượng được hưởng lợi nhất chính là các thuê bao di động khi doanh nghiệp di động nỗ lực nâng cao năng lực hạ tầng mạng lưới để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đa dạng hóa các gói cước ưu đãi và dịch vụ giá trị gia tăng cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đây cũng chính là điểm yếu, khiến Gtel Mobile và Vietnamobile ngày bị “thu hẹp” về lượng thuê bao cũng như doanh thu. 

Ngoài các mạng di động trên, hiện ở Việt Nam có 4 mạng di động ảo được Bộ TT-TT cấp phép hoạt động. Đó là Asim Telecom, DIGILIFE Việt Nam, Mobicast và Đông Dương Telecom. Đây là những mạng di động không có hạ tầng, không đầu số SIM riêng, không có băng tần…

Họ thực chất là mua hoặc thuê lại hạ tầng, dịch vụ của nhà mạng khác (như Viettel, VinaPhone, MobiFone) rồi cung cấp đến khách hàng dưới một thương hiệu khác. Nói cách khác, sự ra đời và hoạt động của các mạng di động ảo ở Việt Nam chỉ làm phong phú thêm thị trường, chứ không quyết định được yếu tố thị phần và tổng doanh thu của thị trường.

Trong bối cảnh hiện nay, 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone chắc chắn vẫn nắm thị phần, hạ tầng quyết định của thị trường viễn thông di động Việt Nam. Có thể thời gian tới, sự cạnh tranh của các mạng di động ảo sẽ sôi động hơn với dịch vụ mới để lôi kéo khách hàng.

Thị trường di động Việt Nam đã có những tên tuổi phải sáp nhập hoặc giải thể trong quá trình phát triển, như S-Fone và EVN Telecom. Bản thân Gtel Mobile và Vietnamobile đều đã 1 lần “đại phẫu” chuyển đổi từ Beeline và HT Mobile. Vì vậy, sự tồn tại và phát triển của 2 nhà mạng này là dấu hỏi lớn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục