“Khát” nguồn nhân lực du lịch lành nghề

Đối với TPHCM, trong khi thị trường du khách quốc tế đến từ các quốc gia tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng, tạo ra một rào cản rất lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch TP.  

Ngày 12-4, tại Hội trường Thống nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM) diễn ra Diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019” với chủ đề “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam” do UBND TPHCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch…

“Khát” nguồn nhân lực du lịch lành nghề ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
“Khát” nguồn nhân lực du lịch lành nghề ảnh 2

Thiết kế sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức diễn đàn để lắng nghe một cách toàn diện và khoa học về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch cho TP; đồng thời tăng cường mối liên kết giữa nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cả nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì vai trò, vị trí của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với TPHCM, Ban thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành chỉ thị số 07 cũng như các văn bản triển khai, phát triển ngành du lịch TP. Từ năm 2001 đến nay, ngành du lịch đã được TP xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và có mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của TP.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ rõ, số lượng doanh nghiệp lữ hành tăng trung bình 8%/năm, số lượt khách quốc tế đến TP tăng 19%/năm, số lượt khách du lịch nội địa tăng 16%/năm, tỷ trọng ngành du lịch chiếm 11% GRDP của TP. TP phấn đấu đến năm 2020, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc dân tộc, cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Dự tính, đến năm 2030 TP phấn đấu thuộc nhóm các TP có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thông tin, trong 3 năm qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, từ 10 triệu lượt vào năm 2016 tăng lên 15,5 triệu lượt vào năm 2018. Cùng trong dòng chảy này, TPHCM tăng từ 5,2 triệu lượt năm 2016 lên 7,5 triệu lượt vào năm 2018. Năm 2019 ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tăng trưởng nhanh về du lịch vừa là tín hiệu tốt, vừa đặt ra cho ngành du lịch những thách thức trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Thực tế hiện nay, ngành du lịch đang rất khát nhân lực lành nghề, chất lượng cao.  Ông Vũ dẫn chứng, TP hiện có hơn 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề và được cấp thẻ, tuy vậy nhiều hướng dẫn viên du lịch chưa đạt chuẩn ngoại ngữ (bao gồm các ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc). Trong khi thị trường du khách quốc tế đến từ các quốc gia tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng, tạo ra một rào cản rất lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch TPHCM.  

Gắn lý thuyết với thực hành

Để giải bài toán nguồn nhân lực du lịch, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, kiến nghị trong hoạch định chính sách và triển khai, cần đưa các chỉ số đào tạo nhân lực thành phần quan trọng nhất trong xây dựng chiến lược,  kế hoạch triển khai và theo dõi phát triển du lịch cả nước, và địa phương. Đối với các sở du lịch, cần phối hợp với các trường đại học triển khai chiến lược đào tạo các bộ quản lý địa phương, đặc biệt các địa phương tập trung phát triển kinh tế du lịch, các tư duy, kiến thức và kỹ năng cập nhật để nâng cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tại điạ phương. Đối với những cán bộ quản lý có tiềm năng và mong muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp, các khoá đào tạo thạc sĩ quản trị du lịch (như chương trình MBA – thạc sĩ quản trị kinh doanh) được giảng dạy không chỉ bởi các chuyên gia học thuật, mà còn bởi những người có bằng thạc sĩ nhưng giỏi tay nghề có thể là lựa chọn hợp lý. Thêm nữa, cần có cơ chế đặc biệt trong yêu cầu về bằng cấp cao (như Tiến sĩ) của giảng viên trong phát triển đào tạo ở cấp độ đại học và cao học. Hiện nay, ban giảng huấn sau đại học của một số ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thực tiễn vẫn còn chịu chế tài về bằng cấp, trong khi phần lớn các chuyên gia chuyên gia giàu tay nghề trong dịch vụ lữ hành – nhà hàng – khách sạn lại không có học vị tiến sĩ. Ngoài ra, các trường đại học khi mở ngành đào tạo du lịch, cần xác định rõ chiến lược đào tạo, phân khúc ngành nghề, chức danh nghề để phát triển chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp. Song song đó, các trường đại học có đào tạo nhân lực du lịch cần có sự hợp tác chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong đào tạo.

“Khát” nguồn nhân lực du lịch lành nghề ảnh 3 Đông đảo các đại biểu trong và ngoài nước dự hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
 Chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại doanh nghiệp (DN), ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, cho biết các tiêu chí để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Saigontourist được hoạch định cụ thể theo từng giai đoạn, đặc biệt là được thực hiện trên cơ sở đáp ứng yêu cầu và thực tế tình hình. Saigontourist xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cho các cấp lãnh đạo từ cấp trung cho đến quản lý cấp cao. Tùy theo từng chức danh tại các cấp sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau căn cứ theo kiến thức-năng lực và các tiêu chuẩn cụ thể. Tiếp đến, đơn vị có những giải pháp nhằm thu hút, động viên, phát triển, giữ chân con người gắn với tổ chức nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp ngành du lịch, gồm: Lập kế hoạch, tuyển chọn, động viên, đánh giá; nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực quản trị trong đó có kỹ năng lãnh đạo, năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp và năng lực ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới của Tổng Công ty.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, đại diện Vietravel cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các trường học nên chú trọng đào tạo thực hành… Bởi thực tế, doanh nghiệp (DN) hầu như phải đào tạo lại, đối với các em sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Cần có chính sách khuyến khích thành lập các trường trong doanh nghiệp, chú trong  đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành cho đối tượng trực tiếp làm du lịch; đào tạo cho đối tượng quản lý…

Giải đáp một số kiến nghị của các trường, các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ khuyến khích xã hội hóa, tạo chuỗi tuần hoàn, hỗ trợ lẫn nhau giữa đơn vi đào tạo với các DN, tăng cường thực hành với chuẩn mực quốc tế hóa… Tạo học bổng khuyến khích học sinh giỏi, chú trọng ngoại ngữ, kiến thức bổ trợ cho người học, giúp nâng cao giá trị gia tăng… Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ VH-TT-DL, các tập đoàn phối hợp đưa ra các chương trình đào tạo, theo hướng chuẩn hóa quốc tế, tránh tình trạng đào tạo đa dạng nhưng không chuẩn hóa, không công nhận lẫn nhau…

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC:

"Tôi xin nhấn mạnh, trong ngành du lịch tính hiệu quả gắn liền với giá trị mà con người mang lại và chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Những người có năng lực, thân thiện có tác động rất lớn đến sự hài lòng của du khách, đến địa điểm du lịch hơn là các cơ sở hạ tầng xa hoa. Vậy tại sao chúng ta không tìm cách phát huy nguồn lực quan trọng đó, chưa kể chúng ta còn có một lực lượng nhân lực lớn, có trình độ đại học từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực… Vấn đề là ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút khách. Chúng ta cần xác định đúng bản chất vấn đề thì mới có thể tháo gỡ được những nút thắt, giúp ngành du lịch đóng góp xứng đáng, bền vững cho ngành du lịch Việt Nam.

Vậy làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, tôi sẽ kết thúc bài phát biểu của mình bằng 3 chữ “c”, bao gồm: con người (nâng cao ý thức, sẵn sàng giúp đỡ du khách, đặc biệt là người dân địa phương), cơ sở hạ tầng (hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông chính là những chữ c quan trọng) và chiến lược (Bộ VH-TT-DL cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, cùng với các ngành khác với lộ trình, bước đi phù hợp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam)".

Tin cùng chuyên mục