Khát khao xanh hóa đô thị

Một lần, tôi đi thực tế sáng tác ở Cần Giờ. Đang trên đài quan sát của những người gác rừng ở Vàm Sát, Cần Giờ, chợt tôi nghe tiếng gọi bên dưới. Leo xuống đất thì gặp anh, chồng của chị bạn công tác cùng cơ quan. Anh nói, nghe có đoàn văn nghệ sĩ của thành phố xuống, tôi tìm đến mong gặp người quen. Mà gặp người quen thật.
Khát khao xanh hóa đô thị

Anh là một trong những đội viên thanh niên xung phong cùng với hàng ngàn người khác đã nỗ lực khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ. Những năm tháng đó đã ghi dấu ấn sâu đậm trong anh, giờ anh đã trở thành tiến sĩ khoa học với giấc mơ biến TPHCM trở lại là một “đô thị trong rừng”.

Anh kể tôi nghe chuyện đời mình. Năm đất nước giải phóng, anh đang là sinh viên năm thứ 2 của ngành Đạo diễn điện ảnh Trường Nhân văn Nghệ thuật, Viện đại học Minh Đức - Sài Gòn. Qua những buổi sinh hoạt chính trị, anh rất hoang mang khi nghe nói trường anh sẽ nhập vào trường Văn khoa. Trong Trung ương Cục ra thì không có trường điện ảnh nên các anh chắc sẽ sát nhập vào khoa Văn, Trường Đại học Tổng Hợp. Anh đã băn khoăn, không biết tương lai mình rồi sẽ ra sao.

Anh lại may mắn gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người cho anh lời khuyên chờ trường điện ảnh mở, các anh có thể tìm nơi công tác; khi trường điện ảnh mở, có thể đưa giấy sinh hoạt chính trị ra và có thể nhập học trở lại. Anh chọn đi thanh niên xung phong để có thể góp một phần sức lực phục hồi đất nước sau chiến tranh; chờ trường điện ảnh mở lại để tiếp tục thực hiện mơ ước làm đạo diễn điện ảnh. Sau hơn một năm đi thanh niên xung phong, anh được phân công về Ty Lâm nghiệp TPHCM làm việc, với nhiệm vụ là đội trưởng đội kỹ thuật trồng rừng.

Anh kể: “Tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu sao TPHCM mà lại có Ty Lâm nghiệp. Rồi khoảng tháng 8-1978, Ty Lâm nghiệp lại có quyết định thành lập Lâm trường Duyên Hải với nhiệm vụ chính là khôi phục lại rừng ngập mặn Cần Giờ và tôi được phân công nhiệm vụ là đội trưởng đội kỹ thuật sản xuất để tổ chức thiết kế và hướng dẫn kỹ thuật thi công trồng rừng cho khu rừng ngập mặn Cần Giờ.

Tôi muốn nói đến tầm nhìn xa của chú Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) từ năm 1978, khi đó chú là Bí thư Thành ủy TPHCM. Chú đã quyết định là một năm trồng 4.000ha rừng và trong 3 năm phải trồng 12.000ha rừng, vì tổng diện tích rừng ngập mặn bị phá trên 39.000ha, chỉ còn lại một số cây lùm bụi, đất trống phơi ra, bị rửa trôi. Khi về tiếp nhận công việc, tôi không hình dung được là rừng ngập mặn Cần Giờ gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi chất độc hóa học trong chiến tranh. Không có gì ngoài những bãi bùn, hoặc đất khô cằn với khoảng vài ba hécta cây chà là. Đi khảo sát, tôi cũng không thể hình dung được có thể khôi phục lại rừng ngập mặn Cần Giờ. TS Lê Văn Khôi là quyền Giám đốc Lâm trường Duyên Hải lúc đó, đã quyết định chọn phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ trong 3 năm đầu tiên bằng cây đước và chọn đi Cà Mau để thu mua trái đước.

Năm đầu tiên, chúng tôi trồng được 4.000ha rừng đước. Cả đơn vị không hình dung là khi nào nó thành rừng, bởi trái đước ghim xuống bùn nằm trơ trọi, sóng biển vùi dập, liệu nó có chịu đựng được để sống không? Ngày ngày chúng tôi đi trồng rừng, tranh thủ thăm những cánh rừng đước đã trồng và chờ đợi. Hai tháng sau, cây đước ra lá. Khó mà diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc bấy giờ. Một năm sau, những cây đước khép tán. Chúng tôi thấy yên tâm, tin vào khả năng có thể khôi phục lại những khu rừng ngập mặn với những cánh rừng đước đẹp như ngày xưa. Tiếp tục, năm thứ 2, năm thứ 3 chúng tôi trồng rừng và sau 3 năm chúng tôi đã phủ xanh được 12.000ha rừng ngập mặn Cần Giờ bằng cây đước.

Đến năm 1990 thì không phải chỉ trồng đước nữa, chúng tôi trồng nhiều loại cây khác để tăng độ đa dạng sinh học, như: su, bần, gõ biển, su ổi, dà, dà oánh, dà vôi… Cây càng đa dạng thì rừng càng có tính bền vững. Đến năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ sau 20 năm khôi phục đã phủ xanh toàn bộ trên diện tích đa dạng sinh học thực vật, đồng thời đa dạng sinh học động vật, bởi vì khi rừng được phục hồi thì các loài chim, thú quay về và sinh sống ngày càng đông”.

Lúc bấy giờ, anh được tin trường điện ảnh mở lại, anh mong muốn được trở lại trường để hoàn thành mơ ước trở thành đạo diễn điện ảnh. Nhưng như anh nói, không biết may hay không may, con đường sự nghiệp của anh đã rẽ sang hướng khác. Anh không thể trở lại trường điện ảnh vì đang công tác trong ngành lâm nghiệp, là Giám đốc Ty Lâm nghiệp. Do anh đã là cán bộ nhà nước, nên cần có sự đồng ý của cơ quan cho đi học.

Anh phải quyết định sự lựa chọn. 

“Trong quá trình phục hồi rừng ngập mặn tôi đã học được nhiều điều, đi dự nhiều hội thảo cả trong nước lẫn quốc tế về hệ sinh thái rừng ngập mặn, và được các nhà khoa học trong ngành khuyến khích nên học về môi trường, tài nguyên thiên nhiên để làm tốt công tác của mình hơn. Vì đó là cơ duyên, vì nghề đã chọn cậu, chớ không phải cậu chọn nghề, họ nói vậy”.

Anh đã quyết định trở lại học Đại học Kinh tế, sau đó học thạc sĩ ngành Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, rồi học lên tiến sĩ chuyên ngành Bảo vệ, sử dụng tài nguyên môi trường. Anh khẳng định: “Sau 38 năm hoàn thành nhiệm vụ ở rừng ngập mặn Cần Giờ đã cho thấy quyết định của tôi là đúng. Ba năm đầu tiên: 1978, 1979, 1980, khi chúng tôi khôi phục được 12.000ha rừng, chú Sáu Dân xuống ôm đội kỹ thuật sản xuất chúng tôi và nói rằng: chào thế hệ thứ 4 anh hùng, điều đó làm cho tôi cảm thấy ấm lòng và cảm thấy gắn bó với ngành lâm nghiệp.

Anh là Tiến sĩ Lê Đức Tuấn.

Năm 2005, công trình nghiên cứu “Khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (1978-2000)” của Tiến sĩ Lê Đức Tuấn và một nhóm tác giả đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Trao đổi với anh những vấn đề thời sự của thành phố hiện nay: đông dân, môi trường bị ô nhiễm, ngập nước, rác thải, hiệu ứng nhà kính, tiếng ồn…, giải quyết bằng cách nào đây? Tiến sĩ Lê Đức Tuấn nói, nếu hiểu thiên nhiên sẽ thân thiện với môi trường. Chúng tôi đã có một đề án, đã phân tích rất kỹ mức độ ô nhiễm của thành phố hiện nay từ môi trường nước đến không khí. Thành phố đã quy hoạch mức độ che phủ của cây xanh phải là 41%. Và phải giữ vững những quy hoạch, kế hoạch này, không chuyển đổi diện tích cây xanh sang mục đích sử dụng khác vì bất cứ lý do gì. Phải tăng cường hệ thống cây xanh đường phố, công viên, cây xanh phân tán trong dân, xây dựng các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

Anh nói thêm: “Không phải tôi làm ở ngành lâm nghiệp mà tôi nói vậy đâu, nhưng khu trung tâm thành phố hiện nay không còn đất để quy hoạch công viên, vườn cây thì phải vận động, khuyến khích mọi người trồng cây ở khắp nơi có thể, từ sân thượng nhà mình đến vách tường, phòng khách, nhà bếp… Làm sao cho ngôi nhà của mình thành ngôi nhà xanh cũng là góp phần phủ xanh cho không gian thành phố. Như vậy có thể nâng độ che phủ cây xanh của thành phố lên 45%. Cây xanh là nền tảng để khắc phục hiệu ứng nhà kính, để có thể dung hòa bớt những tác động của biến đổi khí hậu hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục