Khẩn trương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở

Chiều 2-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với các sở ngành đơn vị về kế hoạch thực hiện 7 chương trình đột phá của TPHCM trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Khẩn trương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở
Ưu tiên chỉnh trang đô thị
Báo cáo tại buổi họp, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, tiếp tục thực hiện chương trình trọng tâm đầu tiên là đột phá chỉnh trang phát triển đô thị, đó là di dời và tổ chức lại cuộc sống người dân ven và trên kênh rạch, cải tạo xây mới chung cư cũ. Dự kiến trong tháng này sở sẽ tổ chức hội nghị đánh giá lại tình hình đã thực hiện và kế hoạch năm 2018, mục đích tăng cường tập trung thực hiện của các quận, các sở.
Qua rà soát, trong 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch phải di dời thì khoảng 13.000 căn là thực hiện theo vốn ngân sách, số còn lại thực hiện theo vốn xã hội hóa. Với tiến độ và trình tự thủ tục đang thực hiện, đến năm 2020 hy vọng sẽ hoàn thành được 10.000 căn nhà, với điều kiện TP phải bố trí đủ nguồn vốn cho các quận chi trả.
Dự báo quận 4, 6 và Bình Thạnh sẽ hoàn thành vào năm 2019, các quận khác đến năm 2020, nhưng tổng số nhà sẽ di dời chỉ là 10.000 căn. Về thực hiện theo vốn xã hội hóa, tập trung chủ yếu ở bờ Nam Kênh Đôi với 5.050 căn, đang trong quá trình lập thủ tục đề xuất dự án, chưa tới bước nghiên cứu khả thi nên chưa chọn chủ đầu tư. 
Đối với chung cư, trong năm nay Sở Xây dựng TPHCM đặt chỉ tiêu hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư đối với 13 chung cư loại D (hư hỏng nghiêm trọng); hoàn tất công tác lựa chọn chủ đầu tư đối với cụm chung cư Ngô Gia Tự 22 lô tại quận 10, theo hình thức đối tác công tư. Cũng tại quận 10, cụm C30 đã hoàn tất bước lập tờ trình đề xuất dự án đầu tư, Sở kế hoạch - Đầu tư đang thẩm định…
“Năm nay sẽ tháo dỡ 7 chung cư loại D, tháo dỡ 3 chung cư đã hoàn thành công tác bồi thường; khởi công xây mới 7 chung cư cũ; dành 80 tỷ đồng để sửa chữa các chung cư cũ”, ông Trần Trọng Tuấn nói.
Việc xây dựng chung cư mới sẽ thay thế 7 chung cư cũ là: chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư Cô Giang (lô A, B, C, D), quận 1; chung cư 11 Võ Văn Tần, quận 3; chung cư Thanh Đa (lô IV- VI), quận Bình Thạnh; chung cư Nguyễn Kim (khu A), quận 10; chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình; chung cư Nakyco, quận Tân Phú.
Về hạ tầng giao thông vận tải, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nêu mục tiêu thực hiện 1 trong 7 chương trình đột phá trong năm 2018, phấn đấu đạt 635 triệu hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng. Sở cũng đã xây dựng quy chế mới để thực hiện kế hoạch giảm tai nạn giao thông, tiếp tục xử lý 34 điểm ùn tắc giao thông. Trong năm nay, khởi công 26 và hoàn thành 14 công trình, phát triển giao thông đường thủy, hoàn thành đề án giảm ùn tắc giao thông và hạn chế xe cá nhân, đấu thầu vé điện tử cho xe buýt, tăng cường ứng dụng công nghệ thu phí, đấu thầu sửa chữa duy tu, đầu tư cụm cảng ICD Long Bình…
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP kiến nghị UBND TP sớm ban hành quy trình về quản lý đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư nhằm đẩy mạnh đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cũng như kêu gọi đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; chỉ đạo các quận huyện và các đơn vị liên quan ưu tiên tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng công trình giao thông; ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thực hiện các công trình trọng điểm thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước trong năm 2018…
Thu hồi dự án không thực hiện
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: Trong 7 chương trình đột phá của TP có nhiều mục tiêu quan trọng phải khẩn trương thực hiện ngay. Đó là triển khai chương trình xây dựng nhà ở, xử lý nhà ven và trên kênh rạch. Sở Xây dựng TP khẩn trương mời thầu cho các dự án, cuối tháng 3 này tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá lại toàn bộ chương trình xây nhà ở để có bước đi tiếp theo. Về việc giải quyết chung cư cũ, cần đánh giá lại và có cách làm mới; phải đề xuất được cơ chế đột phá để thực hiện được; rà soát lại các dự án nhà ở, dự án nào thực hiện được; dự án nào không.
Về phát triển giao thông, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến metro 1, 2, 3, 4, 5. Đối với tuyến đường Vành đai 2, Sở Giao thông Vận tải tham mưu TP để thực hiện kết nối; Vành đai 3 phải sớm triển khai; phát triển giao thông thủy, đường sắt xung quanh các cảng phục vụ vận tải hàng hóa; giao thông công cộng kết nối như thế nào để hành khách đi lại thuận tiện nhất, sở phải đề xuất 1 hoặc 2 công trình đầu tư BT thí điểm để rút kinh nghiệm triển khai. Đối với việc xử lý rác, nước thải, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP là đưa công nghệ tiên tiến vào xử lý; rà soát, đánh giá lại chủ trương cấp nước sạch phân tích đánh giá lại từng khu vực.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở ngành liên quan rà lại công tác quy hoạch để tránh tình trạng quy hoạch treo, ảnh hưởng đến người dân, dự án nào không triển khai cương quyết thu hồi. Triển khai sớm quy hoạch không gian ngầm; đẩy nhanh và nâng cấp, cập nhật đồng bộ hóa các hệ thống quy hoạch trực tuyến. Rút ngắn thời gian thủ tục cấp phép, thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên, tài sản công, nước ngầm mặt nước và nước ngầm, vật liệu xây dựng, cát… theo mục tiêu chung là chống biến đổi khí hậu, phục vụ tối đa cho sản xuất kinh doanh, chống thất thoát tiêu cực. Cải cách hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Sở Tài nguyên - Môi trường phải nắm lại toàn bộ quỹ đất trên địa bàn TP để báo cáo UBND TP. Đẩy mạnh, nhanh chóng mời gọi đầu tư, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư chung cư cũ, giao thông thủy.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu các sở ngành phân công cán bộ hợp lý cho các quận huyện vùng ven; tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, tự chủ về tài chính; Nghiên cứu ứng dụng các đề án đô thị thông minh...

Triển khai Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc


Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, nhằm thực hiện đề án nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, sở sẽ tập trung đẩy mạnh 3 nội dung chủ yếu: điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt; kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ các nội dung vướng mắc trong công tác quản lý quy hoạch đô thị nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý làm nền tảng thúc đẩy phát triển các chính sách đặc thù đối với TPHCM; tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn.
Nhiều vấn đề cụ thể được sở này đã và đang tiếp tục triển khai, như: quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị, điều chỉnh quy hoạch cao độ nền xây dựng của TP, tổ chức tuyển chọn quốc tế phương án ý tưởng thiết kế quy hoạch phân khu 1/5.000 huyện Cần Giờ; bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP… 

Tin cùng chuyên mục