Khám phá lịch sử qua ứng dụng công nghệ

Ngày 15-9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia họp báo trực tuyến giới thiệu ứng dụng công nghệ trong hoạt động giới thiệu trưng bày tại bảo tàng. Việc cùng lúc triển khai và dần hoàn thiện 3 ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ hiện đại được kỳ vọng đem đến cho công chúng cách tiếp cận, khám phá lịch sử mới lạ.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập 20 bảo vật quốc gia

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết, việc ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày bảo tàng được thực hiện rất sớm, từ năm 2013 với trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”.

Tuy nhiên, do việc chuyển tải giá trị quý của hiện vật tới công chúng vẫn gặp nhiều hạn chế khi không thể quan sát kỹ hoa văn, đường nét, hình khối, việc thu nhận tích hợp thông tin về hiện vật cũng chưa nhiều nên từ năm 2020, bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”. 20 bảo vật có những giá trị lịch sử tiêu biểu, độc đáo và quý hiếm, được giới thiệu ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin, cách thức tìm hiểu, trải nghiệm khác nhau về những nét đặc sắc, độc đáo của từng bảo vật.

Trưng bày mới được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ nhu cầu của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu. 

Khám phá lịch sử qua ứng dụng công nghệ ảnh 1 Bảo vật “Cây đèn hình người quỳ” (văn hóa Đông Sơn) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

“Thực tế, khi xem trưng bày ảo, khách tham quan sẽ thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật”, lãnh đạo bảo tàng nhấn mạnh.

Thử nghiệm chương trình Tourday online

Tourday là hoạt động tham quan bảo tàng miễn phí, là sự kiện hoạt động văn hóa được CLB Tình nguyện viên của bảo tàng thực hiện từ năm 2017 dành cho những người yêu thích lịch sử, văn hóa ở nhiều lứa tuổi, quốc tịch khác nhau, chủ yếu là giới trẻ. Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động này tạm dừng do phải giãn cách xã hội.

Ý tưởng thực hiện tham quan bảo tàng trực tuyến miễn phí (Tourday online) nhằm đảm bảo việc tiếp cận lịch sử văn hóa của khách tham quan được duy trì. Tourday online trên nền tảng ứng dụng Zoom có hỗ trợ tính năng chia phòng họp nhỏ (breakout room) thuận tiện cho công tác tổ chức và quản lý. Buổi tham quan bảo tàng trực tuyến đầu tiên với chủ đề “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”, sau chưa đầy 24 giờ mở link đăng ký trên Fanpage, đã có gần 100 khách tham dự.

Bà Tô Thị Thủy Lâm, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chia sẻ, chương trình Tourday online đã mang đến những trải nghiệm mới đặc biệt cho du khách, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa lịch sử và tăng cường sự kết nối giữa bảo tàng và khách tham quan.

Đặc biệt, Tourday online đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày. Tuy nhiên, đây là chương trình do các tình nguyện viên thực hiện, vì vậy vẫn chưa có lịch cố định và cần đầu tư, hoàn thiện thêm về kỹ thuật để có thể tăng hiệu quả kết nối cũng như số lượng các thành viên tham gia.

Về những ứng dụng công nghệ mới này, TS Nguyễn Văn Đoàn cũng thẳng thắn nhận định, trong trưng bày, vẫn còn một số hình ảnh chưa thật sắc nét, chưa đẹp, chưa thực sự sinh động và sẽ điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian tới. Về mặt nội dung, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung những tư liệu, hình ảnh, công trình nghiên cứu để chuyển tải giá trị của di sản dân tộc đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở hàng ngàn hiện vật đã được số hóa chi tiết, thời gian tới, bảo tàng sẽ đưa vào thử nghiệm chương trình thuyết minh tự động autoguide, xây dựng không gian trình chiếu 3D… Đây là bước tiến mới trong lộ trình góp phần thích ứng phục hồi và đổi mới bảo tàng để theo kịp xu hướng với thế giới.

Tin cùng chuyên mục