Khai trương Trung tâm tư vấn khám và chữa bệnh từ xa ở ĐBSCL

Ngày 25-9, BS CK 2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa khai trương Trung tâm tư vấn khám và chữa bệnh từ xa, với 32 điểm cầu trực tuyến là các đơn vị y tế trong khu vực ĐBSCL; đánh dấu sự hoàn thiện và phát triển, cùng xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh... 

Ban Điều hành Trung tâm tư vấn khám và chữa bệnh từ xa, với thành phần ban giám đốc bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng, các thành viên là những tiến sĩ, BS CK2… cùng các bộ phận hỗ trợ, kết nối trực tuyến với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Khai trương Trung tâm tư vấn khám và chữa bệnh từ xa ở ĐBSCL ảnh 1 BS CK 2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung Cần Thơ (người đứng) phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa 

Ngay sau lễ công bố, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã kết nối hội chẩn trực tuyến ca bệnh cùng Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp) về 1 bệnh nhân nghi ngờ sốc phản vệ đến muộn, phân biệt với choáng nhiễm trùng đường tiêu hóa… có các đầu cầu tại nhiều bệnh viện cùng tham gia. Đây là một trong tình huống thường gặp tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở địa phương. Từ trường hợp thực tế của bệnh nhân, sẽ giúp các bác sĩ tuyến dưới trong chẩn đoán và xử trí tình huống cấp cứu nhanh chóng, chính xác...

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là một trong những bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, trong mạng lưới bệnh viện tuyến trên được chỉ định tham gia đề án "Khám, chữa bệnh từ xa".

Trước đó, Bộ Y tế có đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025, với quan điểm là “chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên; các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Mục tiêu của đề án là mọi người dân đều được tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Tin cùng chuyên mục