Khai trương mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng

Xây dựng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa là một hướng đi trong việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp không khói. Nhằm mục tiêu trên, sáng 4-10, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại thôn Tà Lang- Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chính thức khai trương.

Năm 2019, UBND huyện Hòa Vang đã chọn điểm Tà Lang - Giàn Bí làm điểm mới của du lịch Đà Nẵng. Điểm DLCĐ tại thôn Tà Lang - Giàn Bí là điểm đầu tiên của huyện Hòa Vang nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung. Mô hình vừa giúp phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống cho người dân, vừa gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, góp phần bảo vệ thiên nhiên nơi đây.
Bắt đầu từ tháng 5-2019, hiện nay việc xây dựng điểm lưu trú homestay và triển khai công tác tư vấn mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1.
Trước đó, từ năm 2017, nhiều hoạt động được triển khai nhằm giúp cho người dân thích nghi dần với làm du lịch cộng đồng: tổ chức cho đồng bào Cơtu đi tham quan các mô hình du lịch tại các tỉnh; tập huấn kỹ năng hướng dẫn thuyết minh cho 10 hướng dẫn viên người Cơtu; huấn luyện và thành lập nhóm du lịch thám hiểm núi rừng cho thanh niên Tà Lang - Giàn Bí và tập huấn kỹ năng nấu nướng, dệt vải, trình diễn công chiêng, văn nghệ , đan lát, làm hàng lưu niệm, quà tặng.
Phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ tu năm 2019
Những năm qua, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc người Cơtu, ông Đinh Văn Như (39 tuổi) trưởng thôn Giàn Bí thường xuyên họp dân tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu.
Khai trương mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng ảnh 2 Điệu múa săn bắt của thanh niên người Cơ tu
Khai trương mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng ảnh 3 Những cô gái Cơ tu uyển chuyển trong những điệu múa

“Chúng tôi khôi phục một số lễ hội để người dân tôn vinh, giữ gìn hơn bản sắc dân tộc mình. Nhận thấy đây là một nét văn hóa tốt đẹp, từ đó chúng tôi phát huy bằng cách xây dựng một số mô hình, tour du lịch. Đây là điểm dừng chân của khách du lịch, họ có thể trải nghiệm văn hóa nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng ở 2 thôn Tà Lang- Giàn Bí.”- Ông Đinh Văn Như, trưởng thôn Giàn Bí cho hay.

Khu nhà nghỉ chân của khách du lịch

Hiện nay, mô hình DLCĐ chỉ xây dựng khu nhà nghỉ chân cho du khách. Khu nghỉ chân làm bằng vật liệu bê tông nhưng lại trang trí kiểu dáng theo nhà ở người dân tộc nơi đây. Ông Dương Văn Minh, đơn vị tư vấn mô hình DLCĐ cho biết, đơn vị sẽ tư vấn xây dựng vũng tắm sinh thái không có hóa chất, khu vực mát xa ngoài trời,... Các khu vực được xây dựng có tính thẩm mỹ thích hợp với điều kiện tự nhiên của người dân nơi đây.  

Khu nhà có tiện nghi đầy đủ như một điểm Homestay 
Khai trương mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng ảnh 6 Khu nhà vệ sinh của mô hình Du lịch cộng đồng

“Tuy nhiên để mô hình duy trì và tồn tại bền vững, thời gian đến, chúng tôi còn phải xây dựng tại đây với các hệ sinh thái như: ý thức cộng đồng; môi trường xanh, sạch, đẹp; tính chuyên nghiệp trong văn hóa ứng xử và những điểm đến đa dạng nhưng an toàn với du khách. Chính điều này tạo nên điểm nhấn của sự khác biệt, chân chất, mộc mạc, chân thành, gần gũi nhưng rất văn minh, lịch sự.”- Ông Bùi Nam Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chia sẻ.

Ông Đinh Văn Như giải thích kết cấu xây dựng khu nghỉ chân của mô hình Du lịch cộng đồng

DLCĐ là loại du lịch gắn kết được cộng đồng và tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia làm du lịch. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, “mô hình DLCĐ tại thôn Tà Lang - Giàn Bí là sản phẩm có ý nghĩa, góp phần quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc Cơtu đối với du khách trong nước và quốc tế và với sự phát triển chung của du lịch Đà Nẵng”.

Hiện nay, với loại hình du lịch nơi đây, Sở Du lịch kết hợp với UBND huyện Hòa Vang tăng cường quảng bá hình ảnh và hướng dẫn du khách biết đến và trải nghiệm DLCĐ gắn với làng quê. Bên cạnh đó, chính quyền tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tham gia hưởng lợi từ sự phát triển của DLCĐ.

Thưởng thức rượu Cần của người Cơ tu

Để có thể phát triển DLCĐ tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Du lịch tham mưu với thành phố phát triển một số sản phẩm DLCĐ khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như nghề nước mắm ở Nam Ô, nghề cá ở Mân Thái. Đồng thời, phát triển một số sản phẩm DLCĐ gắn với địa điểm có điều kiện phát huy lợi thế của sản phẩm này.”

Tin cùng chuyên mục