Khai thông 7 chương trình đột phá: Đột phá vào khâu then chốt

Nếu cứ đặt mục tiêu quá rộng, quá mênh mông như hiện nay thì việc thực hiện 7 chương trình này sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Để 7 chương trình đột phá của TPHCM thực hiện có hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra, các chuyên gia cho rằng TPHCM phải xác định được “điểm cốt tử” để tập trung giải quyết. Còn nếu cứ đặt mục tiêu quá rộng, quá mênh mông như hiện nay thì việc thực hiện 7 chương trình này sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Tìm “điểm cốt tử”
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia, Đại học KHXH-NV TPHCM) cho rằng, để thực hiện có hiệu quả 7 chương trình đột phá, trước tiên cần phải làm rõ khái niệm “đột phá”, trên cơ sở đó mới có giải pháp đúng và trúng. “Đột phá” là phải tập trung sức mạnh tác động vào khâu then chốt, phá vỡ trạng thái cũ làm thay đổi mang tính đột biến cục diện lớn. Muốn đột phá thành công đòi hỏi phải có những điều kiện cần và đủ, bao gồm: có đủ nguồn lực, chọn đúng mục tiêu, đúng thời cơ. “Nếu thiếu một trong những điều kiện đó, kết quả có thể ngược lại. Nói cách khác, không phải cứ đầu tư nhiều là đột phá thành công”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nói. 
Cùng quan điểm trên, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực nhấn mạnh: “Phải tìm ra được “điểm cốt tử” của mỗi chương trình để tập trung giải quyết”. Đồng chí Phạm Chánh Trực nhận diện “điểm cốt tử” của từng chương trình đột phá mà TPHCM đề ra.
Theo đó, nguyên nhân giao thông TPHCM ách tắc là do di dân cơ học vào TPHCM. “Dân chạy về TPHCM tìm kiếm việc làm vì khu vực nông thôn không có nhiều cơ sở sản xuất và dịch vụ, không có nhiều bệnh viện, trường học chất lượng cao, nên đây chính là vấn đề cốt tử để giải quyết cho bài toán giao thông TP”.
Đồng chí Phạm Chánh Trực cho biết, trước đây đô thị TPHCM quy hoạch cho 4 triệu dân, nhưng hiện nay dân số đã lên đến 12-13 triệu dân. Do vậy, nếu thành phố cứ đi mở đường, xây cầu hoài thì không phải là giải pháp khoa học, căn cơ. Vậy cần bố trí lại lực lượng sản xuất trên toàn vùng, từ đồng bằng sông Cửu Long đến Trung Trung bộ và Nam Tây nguyên bằng biện pháp kinh tế là chính. Trung ương và TPHCM cần hỗ trợ cho các tỉnh phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm, phát triển giao thông và nhiều dịch vụ, tiện ích.
Trong công tác chỉnh trang đô thị, đồng chí Phạm Chánh Trực cũng nêu ra nhiều điểm bất hợp lý. “Thành phố cứ cho xây dựng các công trình cao tầng tập trung ở trung tâm, như vậy chỉ đại gia, doanh nghiệp có lợi khi sở hữu được những khu đất vàng, nhưng lại phá nát quy hoạch của TP. Hệ lụy của cách làm này là dẫn đến ngập lụt, ách tắc giao thông nghiêm trọng vì dòng người cứ hút về trung tâm”, đồng chí Phạm Chánh Trực bức xúc. Theo ông, chỉnh trang đô thị là phải tổ chức lại không gian đô thị, phát triển đô thị hài hòa, hợp lý chứ không phải làm theo ý muốn chủ quan hoặc để tự phát. “Điểm cốt tử” của chỉnh trang đô thị là quy hoạch và xây dựng được TP đa trung tâm để người dân được sống, làm việc, học tập, sử dụng dịch vụ, tiện ích công cộng trong điều kiện như nhau. 
Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, đồng chí Phạm Chánh Trực, “điểm cốt tử” là cần phải xây dựng ngay chính phủ điện tử để loại ra ngoài bộ máy những người không đủ chuẩn chất, đạo đức công vụ kém và không làm được việc. Từ đó có điều kiện nâng lương cho cán bộ công chức đi đôi với nâng cao trách nhiệm công vụ, đồng thời cũng là biện pháp hiệu quả để chống tham nhũng, chống cơ chế xin - cho.
Còn đối với lĩnh vực môi trường, “điểm cốt tử” cần giải quyết trước tiên là vấn đề xử lý các loại chất thải, nhất là rác đô thị… Không xử lý rác được thì không thể có đô thị văn minh.
Riêng chương trình đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục là yếu tố cơ bản, nền tảng của bất kỳ xã hội nào và nền kinh tế nào cũng đều phải dựa trên nguồn nhân lực. Do vậy, nếu đề ra mục tiêu đột phá là chương trình giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực thì mục tiêu sẽ chung chung, rất khó hiểu. “Ngay cách đặt vấn đề đã chưa rõ nên khó có thể làm. Chúng ta chỉ có thể nói đột phá vào một lĩnh vực nào đó của giáo dục, như đột phá đào tạo nghề chẳng hạn để nâng cao trình độ lao động, nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng”, đồng chí Phạm Chánh Trực phân tích.
Doanh nghiệp là chủ thể hành động
Theo gợi ý của TS Huỳnh Thanh Điền (thành viên Nhóm tư vấn Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM), 7 chương trình đột phá có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó chương trình cải cách hành chính là chương trình quan trọng nhất - chương trình đột phá của đột phá.
Trên thực tế, theo phân tích của TS Huỳnh Thanh Điền, nguyên nhân triển khai chậm 7 chương trình đột phá vừa qua phần nhiều là do cơ chế triển khai khá phức tạp, từ nghiên cứu, phê duyệt, cấp vốn, lựa chọn nhà thầu đấu thầu, giải ngân vốn… Do vậy, không chỉ các doanh nghiệp tham gia chương trình khó khăn về thủ tục hành chính mà các đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai chương trình gặp khá nhiều xung đột do cơ chế phối hợp chưa tốt, làm chậm tiến độ thực hiện một số chương trình. “Cơ chế nào do TP đặt ra mà còn phức tạp thì mạnh dạn sửa đổi. Nếu thẩm quyền thuộc về Trung ương thì kiến nghị sửa đổi”, TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất. Cùng với đó, chuyên gia này đề nghị mỗi chương trình cần xác định rõ nhiệm vụ được thực hiện bởi đầu mối các ban ngành thuộc UBND TP; nhiệm vụ nào thuộc địa phương. Từ đó có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa chính quyền các cấp để triển khai đồng bộ. 
Ngoài ra, cần xác định chủ thể triển khai chương trình là cộng đồng doanh nghiệp, chứ không phải là cơ quan lý nhà nước. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chương trình, tạo lập cơ chế để thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện. Cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia theo hướng thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua phát huy vai trò của các hội doanh nghiệp. Các chương trình liên quan đến phát triển hạ tầng như giao thông, giảm ngập nước, môi trường, chỉnh trang đô thị… nên đặt trọng tâm vào các nguồn vốn hợp tác công tư. Có sự tham gia của tư nhân sẽ góp phần giảm áp lực vốn ngân sách, thậm chí có thể đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình. Ngoài ra, có thể kiến nghị Trung ương cho TPHCM được xây dựng cơ chế lương thưởng đặc thù cho công chức liên quan đến thực hiện 7 chương trình đột phá.
Huy động nguồn lực trong dân

Về giải pháp về nguồn vốn cho 7 chương trình đột phá, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, dự kiến huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TPHCM giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 1.829.385 tỷ đồng (tăng bình quân mỗi năm 8,4%), chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP và tăng 53,3% so với giai đoạn 2011-2015.

Trong số này, 7 chương trình đột phá của TPHCM cần một lượng vốn lớn. Căn cứ các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần X của Thành ủy, tổng nhu cầu đầu tư cho 4 chương trình trọng điểm về giảm ùn tắc giao thông, chống ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 492.300 tỷ đồng (chương trình giảm ùn tắc giao thông có nhu cầu vốn lớn nhất, khoảng hơn 315.300 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi cân đối kế hoạch bố trí vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách TP và nguồn ODA thì các dự án còn lại cần huy động bổ sung nguồn vốn đầu tư là 308.250 tỷ đồng.

“Vì nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ và nguồn vốn của địa phương rất hạn hẹp nên TP nên đặt vấn đề thứ tự ưu tiên. Những dự án, chương trình còn lại thì kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi hợp tác công tư (PPP). Thứ tự các dự án này có sự liên hoàn với nhau, cái nào làm trước có lợi hơn thì cần được cân nhắc kỹ. Bài toán kinh tế về vấn đề này cần được đặt ra để tìm lời giải đúng”, ông Quốc đề nghị.

Về huy động vốn, ông Phạm Phú Quốc đề nghị TPHCM đề xuất với Trung ương để được áp dụng các cơ chế đặc thù, trong đó là việc “doanh nghiệp địa phương tự vay, tự trả”. Bởi lẽ, Luật Ngân sách khống chế mức trần nợ công, cho phép TPHCM huy động vốn nhưng không quá 70% tổng ngân sách được giữ lại (năm 2017 TPHCM được giữ lại 67.000 tỷ đồng nên năm 2017 TPHCM huy động không quá 42.000 tỷ đồng). Ngoài ra, đối với những cơ chế mà luật pháp chưa quy định rõ ràng thì TPHCM cần đề xuất được áp dụng như được bán quyền khai thác các dự án đầu tư công trước đây. Những dự án này đã hoàn thành, đi vào vận hành khi bán cho chủ mới thì TPHCM sẽ thu về dòng tiền mạnh rồi dùng nguồn đó đầu tư vào các dự án, chương trình đột phá...

Ông Quốc cũng đề nghị TPHCM nghiên cứu phát huy những định chế tài chính nhằm huy động các nguồn lực trong dân. 

Tin cùng chuyên mục