Khai thác thủy sản bền vững, chuyên nghiệp - Làm đúng để đi xa: “Thẻ xanh” ngay tầm mắt, nhưng...

Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương và phần đông chủ tàu cá trên cả nước nỗ lực thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để mau chóng được gỡ thẻ vàng, nhưng hiện nay vẫn còn số ít tàu cá nằm ngoài sự quản lý của địa phương, hoạt động liên tục trên biển nhiều năm, không vào đất liền.

Do đó, bên cạnh việc áp dụng công nghệ tăng cường giám sát, cơ quan chức năng và địa phương cần có những giải pháp quyết liệt đối với số tàu này.

Giám sát chặt, vi phạm giảm

 Tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn tất lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình có chức năng định vị tàu cá trên biển cho 2.770/3.328 tàu. Nhờ vậy, việc giám sát tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá, tàu cá mất kết nối trên biển dài ngày, rất thuận lợi.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười thông báo, đến nay không còn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình Lê Ngọc Linh cho biết, tỉnh có 6.792 tàu cá (riêng đánh bắt khơi xa có 1.208 chiếc dài từ 15m trở lên), đến nay đã lắp đặt được 1.076 máy hành trình. Hơn 100 tàu chưa lắp máy do chưa chuyển đổi được nghề phù hợp nên không được cấp giấy phép đánh bắt.

Khai thác thủy sản bền vững, chuyên nghiệp - Làm đúng để đi xa: “Thẻ xanh” ngay tầm mắt, nhưng... ảnh 1 Lực lượng chức năng cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hướng dẫn ngư dân làm thủ tục chuẩn bị xuất bến. Ảnh: NGỌC OAI

Ghi nhận tại các cảng cá của tỉnh Bình Thuận, ngư dân đã có nhiều chuyển biến trong việc chấp hành quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), nhất là việc thông báo cho ban quản lý cảng cá biết trước một giờ khi tàu xuất bến, vào bến và nộp nhật ký khai thác. Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, hơn 2 năm qua, tỉnh Bình Thuận không phát hiện tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Ở tỉnh Bình Định, anh Lê Văn Thiết, nhân viên cảng cá Quy Nhơn, đưa chúng tôi đi xem cảnh làm việc, nhập dữ liệu, thủ tục, hướng dẫn các chủ tàu đánh bắt xa bờ chuẩn bị xuất bến vươn khơi. Sau vài năm triển khai chống IUU, các ngư dân Bình Định đã quen dần với việc đi khai về báo nên thủ tục, hồ sơ đều được thực hiện nhanh chóng. Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá của tỉnh Bình Thuận trực 24/24 giờ, theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển, cảnh báo kịp thời các trường hợp vượt ranh giới biển Việt Nam, nhắc nhở cảnh báo nghiêm khắc tàu cá để mất kết nối thiết bị VMS trên biển.

Không khí tích cực cũng được ghi nhận ở tỉnh Ninh Thuận, khi Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phan Khắc Lâm cho biết: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt nên đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm và chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu”.

Đủ chiêu né cơ quan chức năng

Trong khi hàng chục ngàn tàu cá cả nước đang nỗ lực từng ngày, phấn đấu tháo gỡ thẻ vàng, thì một số tàu vẫn bất chấp, vi phạm pháp luật. Là một trong 28 tỉnh thành ven biển, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu đội tàu cá hơn 5.800 chiếc. Số lượng tàu tăng quá nhanh, cộng với nguồn lợi thủy hải sản bị suy kiệt, khiến một số ngư dân đưa tàu đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong giai đoạn 2013-2018, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong danh sách “đen” với hơn 170 tàu và gần 1.400 ngư dân bị lực lượng nước ngoài bắt giữ. Tình hình căng thẳng đến mức, tỉnh phải ban hành nghị quyết riêng về chống đánh bắt trái phép, đồng thời huy động lực lượng công an, quân đội, cảnh sát biển và kiểm ngư cùng vào cuộc để kiểm soát các đội tàu. Trong giai đoạn 2019-2020, tình hình xâm phạm vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể, chỉ còn 44 tàu/449 ngư dân vi phạm. Trong 10 tháng đầu năm 2021, chỉ còn 3 tàu với 41 ngư dân bị bắt giữ.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình Lê Ngọc Linh cho biết, hiện vẫn còn tình trạng ngư dân cố tình né tránh việc kiểm soát của các cơ quan chức năng. Dọc sông Gianh, ngư dân nhiều xã sơn lại số hiệu tàu để đánh bắt tự do, phòng bị kiểm soát trên biển. Khi về gần bờ, họ sơn lại số hiệu tàu theo đúng giấy tờ khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát.

Năm 2021, tỉnh Bình Định còn 16 tàu cá vi phạm - với 15 tàu xuất bến ở Vũng Tàu, 1 tàu xuất bến Bình Thuận; trong đó, các tàu cá huyện Phù Cát vi phạm lãnh hải nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở xã Cát Minh.

Khai thác thủy sản bền vững, chuyên nghiệp - Làm đúng để đi xa: “Thẻ xanh” ngay tầm mắt, nhưng... ảnh 2

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định Nguyễn Công Bình cho biết, đây là những tàu cá đánh bắt nhiều năm trên biển, không chịu về lại địa phương nên rất khó xử lý. Không hiếm tàu mang số hiệu Bình Định nhưng nhiều năm qua chưa về lại tỉnh, thậm chí có tàu cả chục năm không thấy bóng dáng. Nhiều lần Bình Định gửi văn bản, trực tiếp đến tận các địa phương phía Nam để tìm kiếm số tàu cá này nhưng vẫn không có kết quả. Có thời điểm, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định “dọa” sẽ xóa biển số các tàu cá trên nếu không chịu về tỉnh, nhưng cách làm này phạm luật nên câu chuyện cứ dai dẳng đến nay.

“Đây là một trong những tồn tại rất nhức nhối. Chúng tôi nhiều lần có văn bản kiến nghị các địa phương bạn phối hợp nhưng vẫn không được. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp ngăn chặn và xử lý; trong đó rà soát toàn bộ 2.000 tàu cá đang đánh bắt ngoài tỉnh, ít về địa phương. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các chủ tàu vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Công Bình nhấn mạnh.

Tương tự, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười cho biết, địa phương cũng có 130 tàu cá lâu năm chưa về tỉnh. Tàu không về địa phương nên rất khó để áp dụng, thực hiện việc lắp đặt thiết bị và áp dụng các quy định, giải pháp trong phòng chống IUU cũng như triển khai Luật Thủy sản. Những tàu xuất bến, nhập cảng ngoài tỉnh khi vi phạm vận hành, mình cũng không biết tìm ở đâu để xử lý vì theo quy định, các tàu vi phạm xuất bến ở tỉnh nào, tỉnh đó chịu trách nhiệm... 

Ngày 23-10-2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm về khai thác hợp pháp, bền vững, có khai báo. Sau khi áp thẻ vàng, EC đã đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23-10-2017 đến 23-4-2018) trước khi Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (Tổng vụ) cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để giám sát việc thực thi và đánh giá việc rút lại thẻ vàng.

Ngày 15-5-2018, Tổng vụ cử đoàn thanh tra sang Việt Nam lần 1 để giám sát việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ngày 5 đến 14-11-2019, Tổng vụ cử đoàn thanh tra sang Việt Nam lần 2 để giám sát. Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế. Bộ NN-PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo EC kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị, trong đó năm 2020 đã tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến với EC để trao đổi, thảo luận, giải trình và tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá của EC.

Ngày 7-9-2021, tại cuộc họp trực tuyến về IUU, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, chậm nhất cuối năm 2021 phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng.

Tin cùng chuyên mục