Khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tràn lan

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã tồn tại từ lâu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, làm thất thoát nguồn lợi khoáng sản và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường.
Mỏ thiếc trái phép tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) bị lực lượng chức năng giải tỏa. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Mỏ thiếc trái phép tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) bị lực lượng chức năng giải tỏa. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Ngang nhiên lập mỏ trái phép 
Từ quốc lộ 27C (đoạn thuộc phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), phải mất gần một tiếng đồng hồ men theo lối mòn, chúng tôi mới tiếp cận được mỏ thiếc trái phép tại Núi Cao thuộc lô a, khoảnh 3, tiểu khu 142, lâm phần do Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Năm 2011, Công ty CP Đầu tư và Khai khoáng Núi Cao được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực Núi Cao.
Trong thời gian được cấp phép, công ty này đã khoan thăm dò tổng cộng 97 mũi và xác định được một số vị trí có quặng thiếc. Đến tháng 3-2016, khi hết hiệu lực gia hạn thăm dò, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu đơn vị này di dời các lán trại, máy móc thiết bị ra khỏi khu vực và bàn giao toàn bộ diện tích đã thăm dò cho địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ.
Cũng chính từ thời điểm đó, tình trạng “thiếc tặc” ngang nhiên hoạt động ngày đêm, khai thác quặng thô trong hầm rồi đưa ra các máy sàng ngay bên sườn núi để lọc quặng. Có những thời điểm, nơi đây có 30 - 40 “thiếc tặc” hoạt động thường xuyên với 3 hầm địa đạo sâu trong lòng núi. Hầm sâu nhất khoảng 200m, cao 1,5m, chiều ngang chỉ 0,5 - 0,6m, chống bằng gỗ thông được đốn hạ ngay trong rừng phòng hộ. Phía trong hầm vật dụng thô sơ như cuốc, xẻng, máy khoan, thậm chí cả cân đồng hồ lò xo cũng được các “thiếc tặc” đưa vào phục vụ khai thác.
Theo người dân sống ven quốc lộ 27C, hàng đêm có nhóm người chạy xe máy chở quặng thiếc từ rừng đem đi tiêu thụ. Một đầu nậu thu mua quặng thô trên địa bàn cho biết, giá quặng thô (sau khi tách đá và các tạp chất) dao động 120.000 - 130.000 đồng/kg, mỗi ngày khai thác như vậy người ta có thể thu về hàng triệu đồng. 
Ngoài địa điểm Núi Cao, trên địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) còn có điểm khai thác thiếc trái phép ở khu vực Sông Con. Nơi đây vào lúc cao điểm có tới 10 lều bạt được dựng, có cả khu nấu ăn, sinh hoạt phục vụ cho khoảng 70 người đào, đãi thiếc, những mỏ thiếc gần như lộ thiên nên dù đường rừng nguy hiểm, địa hình đi lại phức tạp nhưng các “thiếc tặc” vẫn bất chấp, bằng mọi giá vận chuyển máy sàng, rung, máy phát điện vào để khai thác quặng.
Còn tại huyện Ia Grai (Gia Lai), tình trạng khai thác cát, đá chẻ diễn ra ở nhiều xã như Ia Grăng, Ia Bă, Ia Hrung, Ia Khai... Ông Thái Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Ia Grai (Gia Lai), cho biết việc khai thác khoáng sản trái phép làm mất nguồn tài nguyên, gây thất thu thuế nhà nước, ngoài ra còn làm thay đổi bề mặt khu vực đất.
Gian nan xử lý
Theo Phòng TN-MT huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng liên ngành đã tổ chức nhiều lần truy quét “thiếc tặc” tại khu vực Núi Cao và Sông Con, phát hiện và tiêu hủy ít nhất 9 máy phát điện, 6 giàn rung, 22 máy nổ, 4 chân đế giàn rung, 4 máy nghiền đá, 2 máy bơm nước, hàng trăm mét đường ống nước, dây diện, cùng nhiều lều bạt phục vụ việc khai thác quặng trái phép, 1 lần nổ mìn đánh sập địa đạo thiếc. Riêng tại khu vực Núi Cao, trong năm 2017, cơ quan chức năng đã 2 lần tổ chức nổ mìn đánh sập hầm, chôn vùi toàn bộ phương tiện máy móc có trong hầm địa đạo; tiêu hủy 9 máy nổ, 6 giàn rung, 3 máy phát điện, 1 máy đục đá... Tuy nhiên, số quặng thiếc tại hiện trường hầu như cơ quan chức năng không thu giữ được vì các đối tượng đã nhanh chóng tẩu tán. 
Ông Thái Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Ia Grai (Gia Lai), cho biết: Từ năm 2017 đến nay, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 18 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 216 triệu đồng, tịch thu nhiều tang vật. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã bắt và xử lý 11 vụ vi phạm, xử phạt hơn 150 triệu đồng. Điều đáng nói, có tình trạng các đối tượng khai thác trái phép bị xử lý xong lại tiếp tục khai thác.
Ông Hoàng Văn Hãnh, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cho biết để xử lý dứt điểm các khu vực khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác thiếc trái phép trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Do địa hình khu vực khai thác nằm sâu trong rừng, thường chỉ có một đường duy nhất để người và phương tiện tiếp cận nên khi lực lượng chức năng tập hợp đi đến cửa rừng, các đối tượng phía ngoài cảnh giới đã thông báo để người phía trong giấu tang vật, thiết bị. 
“Có đợt kiểm tra, chúng tôi phát hiện các máy sàng, máy phát được các đối tượng chôn dưới đất, ngụy trang trong các rẫy ngô, bụi cây. Để ngăn cản lực lượng chức năng phá hủy hầm thiếc, “thiếc tặc” còn đánh sập cửa hầm. Khi nào lực lượng giải tỏa rời đi, bọn họ sẽ thông hầm khai thác trở lại. Vì lợi nhuận của khai thác quặng lớn nên dù có bị phá hủy thiết bị nhưng họ vẫn sẵn sàng thuê người mang máy móc từ ngoài vào khai thác tiếp”, ông Hoàng Văn Hãnh cho biết. 
Còn theo ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh, việc khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu là cát, đá chẻ diễn ra quy mô nhỏ ở các địa bàn như: huyện Kông Chro, Ia Grai, Phú Thiện, Chư Păh… Qua thông tin đường dây nóng, sở cũng đã bắt nhiều vụ khai thác trái phép. Việc quản lý rất khó khăn, vì vị trí khai thác nằm vùng sâu, vùng xa. Có nhiều nguyên nhân để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Các văn bản đã nêu rõ, UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện và UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Về mặt quản lý nhà nước, Sở TN-MT cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng lực lượng của sở mỏng, nên rất khó xuống địa phương để đi bắt từng vụ khai thác khoáng sản trái phép. 
“Sở TN-MT tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng TN-MT phối hợp với các phòng ban thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; rà soát xử lý dứt điểm các vụ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép… Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Mang Yang, Ia Grai, Chư Pah, Kbang chỉ đạo các phòng ban của huyện kiểm tra, xác minh, làm rõ đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan do không ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác trái phép để xử lý”, ông Lương Thanh Bình cho biết.

Tin cùng chuyên mục