Khai phá sức hấp dẫn miệt vườn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 
Theo đó, Chính phủ xác định phát triển vùng ĐBSCL  theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. 

Theo điều chỉnh này, Chính phủ xác định ĐBSCL tập trung phát triển công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản và năng lượng của vùng bố trí tại thành phố Cần Thơ với tổng diện tích các khu công nghiệp khoảng 1.500 - 1.800ha, bao gồm các khu công nghiệp tại Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt. Các trung tâm năng lượng, công nghiệp chế biến thủy sản với quy mô khoảng 2.000 - 2.400ha phân bố chủ yếu tại tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu được phát triển gắn với các trung tâm điện lực, điện gió và khu kinh tế biển. Tại các tỉnh còn lại chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - ngư nghiệp, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp phục vụ địa phương.

Đặc biệt, điều chỉnh quy hoạch nhấn mạnh đến việc phát triển ĐBSCL là vùng trọng điểm du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo. Trong đó, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, sông hồ...) và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu... Các đô thị Cần Thơ, Phú Quốc và Mỹ Tho là trung tâm du lịch của toàn vùng, trong đó, thành phố Cần Thơ là trung tâm của không gian du lịch phía Tây, gồm các tỉnh, thành phố An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ. Phát triển du lịch tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; du lịch sinh thái; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội. Còn thành phố Mỹ Tho là trung tâm của không gian du lịch phía Đông gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Phát triển du lịch sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, di tích lịch sử, cách mạng; du lịch cộng đồng… Như vậy có thể thấy, quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL trong những năm tới đã được nhấn mạnh đến trọng tâm sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. Đây chính là điểm mạnh của vùng đất này mà ít nơi nào so sánh được. 

Hồi cuối tháng 9-2017, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp toàn thể hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL. Thủ tướng cho rằng ông lạc quan về tương lai của gần 20 triệu người dân ĐBSCL. Cùng với bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân, trên hết vẫn là quan điểm phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định. Trong đó, một trong thế mạnh nổi trội của ĐBSCL bên cạnh thế mạnh về đất và nước, chính là tiềm năng du lịch. Du lịch ĐBSCL có sức hấp dẫn riêng mà không vùng đất nào có được. Du khách quốc tế cũng như trong nước luôn mong muốn tìm đến khám phá những “đặc sản” của ĐBSCL từ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đến con người miền Tây Nam bộ. Với việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh phát triển ĐBSCL là vùng trọng điểm du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo... chúng ta kỳ vọng Chính phủ sẽ có nhiều chính sách để khai phá mạnh mẽ hơn tiềm năng của vùng đất miệt vườn hấp dẫn này, cũng như kỳ vọng vùng đất ĐBSCL sẽ phát huy sức mạnh nội tại để “cất cánh” trong thời gian tới. 

Muốn vậy, cần sớm triển khai những vấn đề mà trong quy hoạch của Chính phủ đã nêu rõ, như thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và văn hóa. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đảm bảo liên kết giữa các vùng, khu và điểm du lịch trên địa bàn vùng. Hoàn thiện các trung tâm dịch vụ, cơ sở lưu trú, lữ hành kết nối với các vùng, khu, điểm du lịch trong vùng và các vùng lân cận khác, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của vùng.

Tin cùng chuyên mục