Khai mạc Hội nghị SOM3 tại TPHCM: Đối thoại cấp cao về y tế và kinh tế

Hội nghị SOM3 lần này sẽ tập trung đối thoại chính sách cao cấp về y tế và kinh tế, hội thảo phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, đối thoại cấp SOM về các hiệp định thương mại trong khu vực…
Sáng 18-8, Hội nghị lần thứ 3 các quan chức APEC (SOM3) đã khai mạc tại TPHCM.
APEC là tổ chức liên kết kinh tế hàng đầu ở Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung trong 3 lĩnh vực: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, trên nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Qua 27 năm hình thành, APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu. 
Hội nghị SOM3 lần này sẽ tập trung đối thoại chính sách cao cấp về y tế và kinh tế, hội thảo phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, đối thoại cấp SOM về các hiệp định thương mại trong khu vực… Các hội nghị đã thu hút nhiều quan chức cấp cao của các nước, các chuyên gia hàng đầu của thế giới tham dự.
 Khai mạc Hội nghị SOM3 tại TPHCM: Đối thoại cấp cao về y tế và kinh tế ảnh 1 Quang cảnh hội thảo về đô thị thông minh
Ngay trong ngày khai mạc, SOM3 tổ chức nhiều cuộc đối thoại, diễn đàn quan trọng như: đổi mới khoa học đời sống; công nghiệp ô tô với hội thảo về tác động các công cụ chính sách của chính phủ đối với xe sử dụng năng lượng mới; về điển hình chính sách, quy định và sự linh hoạt trong bối cảnh ứng phó với thiên tai nhằm đảm bảo bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách hải quan nhằm xác định gỗ và các sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp; thúc đẩy thương mại sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông thông qua khuyến khích điển hình dán nhãn điện tử; chia sẻ kinh nghiệm các tiêu chuẩn về thực thi đánh giá hợp chuẩn trong các thành phố thông minh của khu vực APEC…
Cùng ngày, hội thảo “Chia sẻ thực hành tốt về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực đô thị thông minh” cũng diễn ra với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Tham dự có PGS-TS Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS Santhi Kanoktanaporn, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO), ông Francis Anthony S.Garcia, Thị trưởng thành phố Balanga, Philippines.
Các đại biểu đã thảo luận về định hướng phát triển, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC) trong lĩnh vực đô thị thông minh, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước phát triển như giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, quản lý nguồn nước, phương tiện giao thông thế hệ mới tiết kiệm năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ thông minh áp dụng vào đời sống…; qua đó, giúp các nền kinh tế thành viên APEC áp dựng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động tiêu chuẩn, hướng tới phát triển bền vững mô hình đô thị thông minh trong khu vực APEC.
Đây cũng là cơ hội tốt để các nền kinh tế đang phát triển của APEC như Việt Nam, Thái Lan, Philippines... có cơ hội học hỏi những tiến bộ khoa học công nghệ về phát triển đô thị thông minh từ các nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... theo đúng mục tiêu ưu tiên của năm APEC 2017 là: phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. 
Ngày 18-8, tại Cần Thơ, trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017, Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và đối thoại chính sách cấp cao về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã chính thức diễn ra với 2 hội thảo chuyên đề về “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ ANLT bền vững” và hội thảo “Thách thức với ANLT và an ninh nước trong bối cảnh BĐKH khu vực APEC”.
Đây là 2 trong hàng loạt sự kiện tại Tuần lễ APEC Cần Thơ diễn ra đến ngày 25-8.
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề 1 về xây dựng hệ thống sản xuất, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: ĐBSCL có 13 tỉnh, với lợi thế sản xuất nông nghiệp, chủ lực của Việt Nam về lúa, trái cây, thủy sản. Đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% kinh ngạch xuất khẩu thủy sản, trên 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Những năm gần đây, tình hình BĐKH hạn hán ngày càng phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân vùng ĐBSCL.
TP Cần Thơ cũng như các tỉnh trong vùng đang nỗ lực xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị quy mô lớn và tăng trưởng xanh. Chú trọng xây dựng hệ thống kết nối tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH …   
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước kỳ vọng, qua hội thảo này sẽ thu thập được nhiều ý kiến chia sẻ ở cấp độ từ địa phương, đến cấp độ vùng và từ các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Từ các khuyến nghị của nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ tìm ra được các giải pháp tích hợp các thông tin về khí hậu và chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, giúp các nền kinh tế thực hiện tốt và đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Các nhà khoa học cũng kỳ vọng, kết quả dự kiến thu được từ hội thảo giúp là nâng cao hiểu biết về vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến hệ thống lương thực toàn cầu, những tác động của thời tiết và khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng, làm thế nào để thông tin thời tiết, khí hậu được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp thích ứng; tăng cường đối thoại quốc tế, xây dựng được khuyến nghị chính sách liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho các nước thành viên APEC.

Tin cùng chuyên mục