Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 6 dự án luật ​

Sáng 7-9, tại Nhà Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận về một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị, sáng 7-9. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị, sáng 7-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chương trình công tác năm 2022, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, UBTVQH quyết định triệu tập hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp thường kỳ thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn.

UBTVQH quyết định tổ chức hội nghị này để các ĐBQH chuyên trách, các ĐBQH kiêm nhiệm đăng ký tham gia hội nghị, cho ý kiến vào từng dự án luật và dự thảo nghị quyết. Qua đó góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian của kỳ họp.

Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 6 dự án luật ​ ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị, sáng 7-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ hai của nhiệm kỳ khóa XV sẽ tập trung thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở, nhấn mạnh một số nội dung cơ bản xin ý kiến các ĐBQH. Trong đó, về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quan điểm của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay, còn một số vấn đề đề nghị ĐBQH tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm.

Một là, điều chỉnh việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Hai là, việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Ba là, cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở - đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không.

Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 6 dự án luật ​ ảnh 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án luật này có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc xây dựng các quy định đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, không nóng vội, không vì lộ trình mà phải thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết được, cần tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết số 19, 20 của Trung ương Đảng về “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập”, “lấy người bệnh làm trung tâm”, “y tế cơ sở là nền tảng”.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận về thẩm quyền và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, như chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam.

Cùng với đó là hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình...

Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 6 dự án luật ​ ảnh 3 Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án luật này có nội dung rất rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến từng gia đình - “tế bào” của xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Tuy nhiên, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý, làm sao để không gây tác dụng ngược đối với nạn nhân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, làm rõ nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình; về tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức hội nghị là cần thiết nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQH hoạt động chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật; phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Các ý kiến của các ĐBQH chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4.

Tin cùng chuyên mục