Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Tối 30-11 tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) diễn ra Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự.

Biểu diễn văn nghệ tại Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, từ bao đời nay, cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, linh thiêng và đã trở thành bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân, tác giả sáng tác những trường ca, sử thi đi vào lòng người.

Ngày nay, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã lan tỏa, không chỉ là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, của các dân tộc Việt Nam mà còn là di sản phi vật thể của nhân loại. Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 do tỉnh Gia Lai tổ chức, đây là hoạt động nhằm gìn giữ, tôn vinh giá trị của không văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là dịp kết nối, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc có cồng chiêng, tạo sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em, là điều kiện để du khách tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Gia Lai và Tây Nguyên…

 Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ảnh 2 Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng và gió với những cánh rừng già xanh thẳm, nơi những con người mộc mạc chất phát cùng nhau sinh sống tạo nên cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo. Gia Lai là vùng đất cổ xưa, lưu giữ nền văn hóa truyền thống, đặc trưng với địa danh lịch sử và kho tàng sử thi hùng tráng vô giá. Cùng với thời gian, tiếng cồng, tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khảo của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vỹ và vượt qua khỏi biên giới uốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại. Tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn, khát vọng diễn tả những niềm vui, những nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, đa dạng về văn hóa, lịch sử.  Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lần này là sự tôn vinh những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc n nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống. 

 Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai với chủ đề Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên sẽ diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 2-12. Lễ hội gồm các hoạt động chính như: Lễ hội đường phố; phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian. Ngoài ra, còn có một số các hoạt động khác như: Hội chợ thương mại Công, nông nghiệp Gia Lai; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền; giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục