Khắc phục thiệt hại cho cây trồng sau hạn mặn

Ngày 11-6, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo Giải pháp khắc phục thiệt hại cho cây trồng trước - trong và sau hạn mặn năm 2020, với sự tham dự của các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bến Tre.
Nông dân Bến Tre chăm sóc vườn cây ăn trái sau hạn mặn
Nông dân Bến Tre chăm sóc vườn cây ăn trái sau hạn mặn

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, mùa khô năm 2019-2020, tổng diện tích cây ăn quả trong vùng ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn khoảng 130.000ha, bằng 39.1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng như: xoài, chuối, thanh long, dứa, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, vú sữa...

Cụ thể, Tiền Giang có 28.360ha, Bến Tre 12.350ha, Long An 12.900ha, Trà vinh 12.350ha, Vĩnh Long 8.580ha, Sóc Trăng 13.650ha... Riêng tỉnh Bến Tre, nước mặn xâm nhập sâu, lan rộng ra toàn tỉnh, có thời điểm nước mặn đo được trên các sông lên trên 10‰, ước thiệt hại trên cây trồng và vườn cây ăn trái đến nay trên 1.200 tỷ đồng.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, hạn mặn, diễn biến thời tiết cực đoan có thể sẽ tái diễn, vì vậy bên cạnh các giải pháp công trình, quy hoạch do Nhà nước triển khai thì nhà nông cần chủ động chuyển đổi giống, cây trồng phù hợp với từng vùng đất. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ là giải pháp vừa phù hợp tự nhiên vừa có cơ sở khoa học giúp cây trồng phát triển bền vững trước tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tuyệt đối không sử dụng thuốc, hóa chất để phòng ngừa nấm bệnh.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, sau hạn mặn cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, từ đó đề ra kế hoạch để phục hồi vườn cây. Nếu vườn có nhiều cây chết hoặc tỷ lệ cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác. Nếu hạn, mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây trong vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng giặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt. Việc đánh giá thiệt hại của từng cây trong vườn rất quan trọng để lựa chọn giải pháp chăm sóc phù hợp.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng thông tin, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Đặc biệt, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến nửa đầu tháng 6, sau đó giảm dần. Các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn.

Tin cùng chuyên mục