Khắc phục “lệch pha” trên thị trường lao động

Sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất. Nhưng, yếu tố này dường như chưa được đề cập nhiều và cũng chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu. Đây là một trong những ý kiến đáng lưu ý được nêu tại tọa đàm về “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 27-4, tại Hà Nội. 

Bàn về bức tranh tổng quan năm 2022, nỗi lo lắng được nhiều đại biểu chia sẻ là áp lực lạm phát và chỉ số giá sản xuất (PPI) đang tăng lên rất mạnh. Bên cạnh đó, tổng cầu đang phục hồi rất chậm; động thái tăng giá của các loại tài sản (vàng, bất động sản…) cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự đi vào khu vực sản xuất.  

Theo TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam đang giảm. Những nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm chủng vaccine đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần lấy lại được mức tăng trưởng của thời kỳ trước khi chưa xuất hiện đại dịch. Nhưng thị trường lao động vẫn chưa phục hồi bền vững và đã xuất hiện tình trạng “lệch pha”. Riêng tại TPHCM, năm 2022, các doanh nghiệp, nhà máy dự kiến cần được bổ sung tới 310.000 lao động, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ.  Theo Tổng cục Thống kê, số người có việc làm tăng nhanh nhưng phần lớn ở khu vực lao động phi chính thức, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ thất nghiệp và lao động không sử dụng hết tiềm năng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản, tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người lao động phải chuyển nghề. Nền kinh tế đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động lành nghề trong tất cả các lĩnh vực.

Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm, phải là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… tham gia phục hồi sản xuất - kinh doanh cần được triển khai khẩn trương hơn nữa nhằm thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung - cầu lao động; tạo môi trường và điều kiện để người lao động cũng như người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm trong năm 2022.

Ngoài ra, cần có một số chính sách “may đo” cho phân khúc cụ thể của thị trường. Chẳng hạn như thu hút nhóm lao động tự sản, tự tiêu, lao động chưa tham gia hoạt động kinh tế gia nhập thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Về lâu dài, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục vẫn phải là nghiên cứu xây dựng các chương trình, chính sách đào tạo phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục