Khắc phục các điểm nghẽn, nền kinh tế có thể tăng trưởng đến 10%

Phát biểu tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp hôm nay, 23-12, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nếu tháo gỡ thành công những điểm nghẽn, "mở đường" cho đầu tư, huy động tốt hơn nguồn lực toàn dân, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ đạt mức 9-10%. 
Doanh nghiệp phản ánh, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn
Doanh nghiệp phản ánh, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn

“Thủ tục cấp phép đầu tư kéo dài 2-3 năm, nếu có thể hoàn thành trong 6 tháng hay sớm hơn 1 năm thì toàn bộ quá trình đầu tư sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn rất nhiều”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm “phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính và có trách nhiệm” là lẽ sống của doanh nghiệp trong thời hiện đại, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Luật về kinh tế tuần hoàn và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các sáng kiến và giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất “xanh” cũng là quan điểm được nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau như dệt may, ô tô… nêu ra tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup thông tin, thời gian vừa qua, Vingroup đã “giải phóng” nguồn lực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất ô tô, để Việt Nam có tên trên bản đồ các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Theo ông Quang, việc Vingroup nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các sản phẩm ô tô điện và xe máy điện là một hướng đi mới, chắc chắn là rất khó khăn, nhưng sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tổng giám đốc Vingoup mong muốn “nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô sử dụng động cơ điện”. Vẫn theo doanh nhân này, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai.

Bên cạnh chính sách “hướng xanh”, hàng chục điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu… cũng đã được đại diện các doanh nghiệp nêu rõ, trong đó đáng lưu ý là kiến nghị nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hợp tác công tư (PPP), đảm bảo sự minh bạch, an toàn; đảm bảo huy động được tối đa nguồn lực xã hội, không chỉ với các dự án hạ tầng, mà cả các đề án sản xuất kinh doanh. Điều này càng quan trọng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đang đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn có liên quan đến an ninh quốc phòng như sản xuẩt ô tô, công nghệ thông tin…

Lãnh đạo một doanh nghiệp ô tô nhưng đang có những bước tiến mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) thì bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy mạnh lộ trình số hóa nền kinh tế, có chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất linh kiện ô tô trong nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Dương phản ánh, việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp còn rất khó khăn, do nhiều ngân hàng thương mại quan ngại rủi ro. “Tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn. Nguồn vốn vay sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vươn lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nếu chỉ trồng chuối 50-100 ha thì không thể ổn định cho xuất khẩu. Quy mô lớn là một điểm mạnh giúp tận dụng cơ hội trong thời gian tới”, ông Trần Bá Dương nhận định và đề nghị ngân hàng có chính sách cởi mở hơn trong chính sách tín dụng nông nghiệp.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về mong muốn chung tay giữ gìn, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp Việt, sản phẩm hàng hoá Việt Nam trên trường quốc tế, Chủ tịch Thaco nhấn mạnh: “Gây ra tiếng xấu sẽ mất tất cả”.

Lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, đại diện các bộ ngành đã đưa ra giải pháp cho nhiều vấn đề cụ thể. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn hơn 130 kiến nghị tồn đọng

Năm 2019, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tiếp tục được thực hiện cắt giảm một cách thực chất hơn. 100% các bộ, cơ quan đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Hiện đã đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (ECabinet).

Có 7 bộ, cơ quan trong số 12 bộ, cơ quan kiểm tra đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (theo Quyết định số 846/QĐ-TTg và Quyết định số 877/QĐ-TTg) Trên 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế, nộp thuế điện tử.

Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn tới 355 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ...

Về trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, theo báo cáo của VCCI, trong năm 2019, từ 1-1-2019 đến hết 31-10-2019, vẫn còn 158 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Lượng kiến nghị tồn đọng chưa trả lời tính đến hết tháng 10 năm 2019 là 133 kiến nghị.

(Trích Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Tin cùng chuyên mục