Khắc chế hạn hán, xâm nhập mặn

Miền Tây Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên năm nào cũng lo hạn hán, xâm nhập mặn, thiệt hại nặng nề do thiếu nước ngọt. Vậy hiện nay, Chính phủ đang triển khai những giải pháp mạnh tay nào để giảm cơn khát ở những vựa lúa, tôm, cây trái lớn của đất nước? Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp có cuộc trao đổi với báo giới xoay quanh vấn đề liên quan.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
PHÓNG VIÊN: Thứ trưởng đánh giá thế nào về hạn mặn năm nay ở ĐBSCL?

Thứ trưởng NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Chúng tôi đánh giá, năm 2019-2020 là năm hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay ở ĐBSCL, vì đến sớm hơn 1 tháng so với nhiều năm, lại xâm nhiễm vào rất sâu và dự báo đến hết tháng 5 mới thực sự hết hạn mặn. Tại tỉnh Bến Tre, đến thời điểm này, toàn bộ sông Hàm Luông vẫn bị mặn. Thực tế này chưa bao giờ xảy ra. Mọi năm, chỉ khoảng giữa tháng 4 là hạn mặn rút, nhưng năm nay, cuối tháng 5 mới bắt đầu vào mùa mưa, mặn mới giảm. Đây là những điểm lạ, bất thường.

Tuy nhiên, chúng ta đã dự báo rất đúng và sớm, vì thế hoàn toàn chủ động trước hạn mặn, nên không có thiệt hại lớn xảy ra như các năm trước. Chúng tôi tổng hợp đến thời điểm này, chỉ có khoảng 60.000ha lúa bị giảm năng suất 30%-70%. Cây ăn trái thì chỉ có diện tích nhỏ ở Chợ Lách - Bến Tre bị ảnh hưởng, nhưng bà con đã kịp thời chuyển sang cây trồng khác. Về nước sạch, có khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước, nhưng do có các giải pháp ngay từ đầu, nên không hộ nào không có nước sạch để sử dụng.

Bằng cách nào mà năm nay chúng ta khắc chế được đợt hạn mặn bất thường và lịch sử như thế?

Thành công đầu tiên là nhờ cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Song cũng cần kể tới các giải pháp công trình của Bộ NN-PTNT và các địa phương được đưa vào hoạt động đúng đợt hạn mặn, giúp giảm thiệt hại, điều tiết mặn - ngọt cho hơn 300.000ha lúa tại ĐBSCL. Nếu không có các công trình này, hàng trăm hécta lúa sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Đến nay, nhiều địa phương đã triển khai được các giải pháp ngắn hạn như đắp đập tạm để trữ nước ngọt, ví dụ như Kiên Giang đã làm được 197 đập tạm, nhờ thế mà ở Kiên Giang cơ bản không có hộ dân nào bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt.

Khắc chế hạn hán, xâm nhập mặn ảnh 2 Kênh mương trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau bị khô hạn nghiêm trọng. Ảnh: TẤN THÁI

Trong thời gian tới, sẽ có những công trình nào giúp ĐBSCL tiếp tục khắc chế thiên tai, hạn mặn đe dọa, thưa ông?

Bộ NN-PTNT đã và đang đầu tư 11 hệ thống công trình thủy lợi tại ĐBSCL. Sau đợt hạn mặn năm 2015-2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và đã nghiên cứu, đầu tư 11 công trình, hiện có 5 công trình đưa vào sử dụng sớm so với kế hoạch 5 - 14 tháng. Các công trình còn lại đang được đầu tư và đẩy mạnh triển khai, nhất là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ vùng Hậu Giang và một phần của 2 tỉnh Kiên Giang - Cà Mau. Theo tính toán, những công trình này đưa vào hoạt động sẽ bảo vệ khoảng 1 triệu hécta lúa và cây ăn trái, chưa kể lợi ích cho nuôi trồng thủy sản (vì như hiện nay, rất nhiều vùng ở ĐBSCL, mặc dù tôm là thế mạnh nhưng chỉ nuôi được một mùa do mặn quá).

Đối với dự án Cái Lớn - Cái Bé của tỉnh Tiền Giang, Bộ NN-PTNT sẽ đầu tư giai đoạn 1, đồng thời nghiên cứu để chuyển nước ngọt cả cho tỉnh Cà Mau, cố gắng đến năm 2025 khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực này. Dự kiến ngân sách nhà nước bỏ ra khoảng 30.000 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đang làm việc với các ngân hàng như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á để có vốn vay tập trung cho nguồn nước sạch tại ĐBSCL, giải quyết ngay lập tức tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong vòng 2 năm tới.

Không chỉ ĐBSCL mà hiện nay, 2 khu vực là Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng đang chịu thiệt hại nặng do hạn hán… Bộ NN-PTNT có giải pháp gì?

Theo nghiên cứu, cả nước có 3 vùng sẽ hạn hán thường xuyên là miền núi phía Bắc, Nam Trung bộ - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trong đó Nam Trung bộ - Tây Nguyên năm nào cũng bị hạn do địa hình dốc nên nước về đều đổ ra biển rất nhanh. Để chống hạn, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên phải có những hồ nước rất lớn và chính các hồ thủy điện, hồ thủy lợi đang giữ vai trò điều tiết nước tưới. Mặc dù chúng ta đã có quy chế nhưng vào mùa khô, mục tiêu an ninh năng lượng được đề cao, nên để có đủ nước tưới, cần điều chỉnh hài hòa giữa kế hoạch phát điện và tưới tiêu nước một cách tiết kiệm.

Để giảm phụ thuộc các hồ thủy điện, tôi cho rằng, nên xây dựng thêm các hồ thủy lợi sẽ giúp “giải khát” đáng kể cho Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Bằng chứng là sau đợt hạn kỷ lục năm 2015, Bộ NN-PTNT và tỉnh Ninh Thuận đã thi công rất nhiều công trình thủy lợi lớn tại đây, nên đến nay, Ninh Thuận là nơi ít chịu ảnh hưởng hơn Bình Thuận. Ở Tây Nguyên, hiện cũng đang được đầu tư một số công trình hồ chứa rất lớn, chắc chắn sẽ giữ lại được nguồn nước đáng kể để giảm hạn hán.

Tin cùng chuyên mục