Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu

Tính đến hết tháng 5 năm 2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết, do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 -  Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết tại cuộc họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (mở rộng).

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Thừa ủy quyền báo cáo tại phiên họp, ông Trần Quốc Phương cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%); cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro…

Đáng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50%.

Về dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm, ông Trần Quốc Phương lưu ý, mặc dù được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra mức dự báo tăng trưởng khá lạc quan, song kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; đời sống nhân dân và hoạt động kinh doanh còn khó khăn…

Liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…; người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm.  “Kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh”, ông Phương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục